Công ty chứng khoán đón đầu cơ hội (dau tu cong nghe)

Thứ Năm, 07/08/2008, 17:58

Công ty chứng khoán đón đầu cơ hội

TTCK đang trong giai đoạn khó khăn, song nhiều CTCK vẫn mạnh tay chi hàng triệu USD đầu tư cho những sản phẩm mới tiện ích cho NĐT với quan niệm: khi suy thoái lùi bước, thị trường tăng trưởng trở lại sẽ thu hút một lượng lớn NĐT mới tham gia, lúc đó có nhanh tay đầu tư thì cơ hội cũng sẽ vụt qua. "Lửa thử vàng", CTCK được quản trị và đầu tư tốt sẽ thực sự "bứt tốp" sau giai đoạn này. Điều đáng nói là trong cuộc chạy đua đầu tư công nghệ, cơ quan quản lý cần có định hướng để những khoản đầu tư của DN không rơi vào tình cảnh lãng phí và manh mún.

CTCK Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMES) đã hoàn tất các bước thử nghiệm để giới thiệu đến NĐT hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán S-Suit. S-Suit tích hợp 3 phần mềm giao dịch chứng khoán chuyên biệt: S-Bos, S-Pro và S-Web. Các phần mềm này trợ giúp hiệu quả cho nhân viên SMES và NĐT trong việc thực hiện giao dịch chứng khoán. NĐT có thể mở tài khoản trực tuyến nộp, rút tiền tại Vietcombank và Agribank với thủ tục đơn giản, thực hiện các lệnh một cách trực tiếp và được truyền thẳng vào sàn giao dịch, kết quả sẽ hiển thị ngay khi lệnh được thực hiện. Tiện ích nổi bật của phần mềm này là hỗ trợ tối đa các công cụ phân tích đầu tư với 15 mô hình đồ thị phân tích kỹ thuật trực tuyến; tạo lập, quản lý cùng lúc 100 danh mục và trang bị hệ thống cảnh báo đầu tư trực tuyến với từng mã chứng khoán; trong phiên giao dịch, các NĐT có thể trao đổi thông tin trực tuyến với nhau hoặc với đội ngũ phân tích của CTCK. Để triển khai những tiện ích trên, SMES đã đầu tư hơn 2 triệu USD để hoàn thành hệ thống "core trading" (giao dịch lõi) của Hàn Quốc, có khả năng xử lý hàng triệu lệnh cùng lúc.

Tại CTCK FPT (FPTS), sau những thành công với chương trình EzTrade, FPTS đã tập trung đầu tư và thử nghiệm hệ thống giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (EzOTC), tương tự như với cổ phiếu niêm yết. Còn CTCK Vincom sau khi ra mắt bộ sản phẩm giao dịch trực tuyến VTrade, VSMS, VPhone cho phép NĐT giao dịch mọi lúc, mọi nơi, đã nâng cấp giới thiệu VTrade phiên bản mới. Chương trình cho phép quản lý đồng thời nhiều danh mục đầu tư, do NĐT chủ động tạo ra và có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Chương trình TradeAnywhere của CTCK VPBank cho phép đặt lệnh trực tuyến kể từ 20h của ngày trước khi phiên giao dịch mở cửa. Công ty này đã chi khoảng 1 triệu USD để nâng cấp chương trình giao dịch.

Sự năng động không chỉ xuất hiện ở những CTCK ra đời sau, mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu đối với cả những công ty đã có thâm niên. CTCK BSC là một ví dụ, lâu nay NĐT mở tài khoản tại BSC kêu ca nhiều về những thao tác thủ công gây bất tiện thì nay, Công ty đang từng bước đầu tư để hiện đại hóa hệ thống. Giao dịch trực tuyến, quản lý hệ thống cổ đông của các công ty đại chúng một cách thuận tiện, nhanh chóng đang lấy lại hình ảnh "đại gia" trong mắt dân môi giới và nhà NĐT.

Theo quan điểm của SMES, đầu tư bài bản cho công nghệ trong bối cảnh hiện nay là cách tiết kiệm chi phí hiệu quả, góp phần tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tăng cường năng lực hoạt động của CTCK. Nếu như trước kia, một môi giới chỉ phục vụ tối đa 5 khách hàng thì nay, nhờ những tiện ích mới, họ có thể chăm sóc nhiều khách hàng hơn. Hoặc khi chức năng đặt, chuyển lệnh đã được thực hiện tự động, môi giới sẽ phải học hỏi, nâng cao khả năng để có thể hỗ trợ NĐT nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn, để NĐT có thể chia sẻ và gửi gắm những quyết định đầu tư quan trọng hoặc tiến đến một bước cao hơn là giao tài khoản cho môi giới quản lý. Khách hàng có lợi nhuận, CTCK mới có nguồn thu. Hơn nữa, có hệ thống giao dịch hiện đại, việc kết nối giữa CTCK với hệ thống ngân hàng được thực hiện đơn giản, cho phép NĐT có thể sử dụng tài khoản tại nhiều ngân hàng để giao dịch chứng khoán mà không cần đến sàn nộp, rút tiền.

Đề cập đến xu hướng nhiều CTCK đang mạnh tay đầu tư cho công nghệ, một quan chức UBCK cho rằng, trong lĩnh vực chứng khoán, công nghệ là điều quan trọng nhất và đây là khoản đầu tư cho tương lai. Đơn cử, Hàn Quốc đã thực hiện giao dịch không sàn từ năm 1997, trong khi tại Việt Nam, đợt thử nghiệm giao dịch không sàn vừa thực hiện tại TP. HCM, trong số 25 công ty đăng ký có khả năng kết nối đã có 7 công ty phải xem xét lại bởi hệ thống công nghệ không đáp ứng được một số yêu cầu về kết nối.

Nhà quản lý tỏ ra tâm huyết như vậy, nhưng nhìn vào thực tế đang diễn ra có thể thấy, các CTCK đang gặp nhiều khó khăn và lãng phí trong việc vận hành hệ thống. Câu chuyện kết nối không sàn là một ví dụ, HOSE có chuẩn riêng, HASTC lại theo chuẩn khác, khiến CTCK thành viên chỉ còn cách "bấm bụng" chi tiền đầu tư cho công nghệ để có thể kết nối. Rồi đến chuyện quản lý tiền chứng khoán, để kết nối với 2 - 3 ngân hàng, CTCK phải đầu tư 2 - 3 đường truyền, kèm theo nhiều chi phí khác. Đại diện một quỹ đầu tư chứng khoán Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, để khắc phục lãng phí này, cơ quan quản lý nước họ đã lập ra một trung tâm xử lý thông tin, làm đầu mối kết nối trực tuyến ngân hàng và CTCK, nhờ vậy NĐT có thể nộp tiền vào tài khoản chứng khoán tại nhiều ngân hàng, trong khi ngân hàng và CTCK chỉ cần một đường truyền tốc độ cao nối đến trung tâm.

đtck

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý