Vì sao chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh đến vậy - vneconomy

Vì sao chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh đến vậy?
14/10/2008 15:01 (GMT+7)
Trước các biện pháp vĩ mô được công bố, chứng khoán châu Á đã tăng mạnh mẽ, tiếp đến chứng khoán châu Âu tăng “bất thường”. Điều này đã tác động không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư Mỹ.

Chứng kiến việc các chỉ số chứng khoán Phố Wall đồng loạt tăng trên 11%, một mức tăng “kinh hoàng” trong phiên giao dịch ngày 13/10, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, nhất là sau khi trung tâm tài chính này vừa trải qua một tuần lễ tồi tệ bậc nhất trong lịch sử tồn tại của nó.

Theo người viết, có 3 lý do chính khiến thị trường chứng khoán Mỹ không những phục hồi, mà còn phục hồi mạnh hơn mọi dự báo.

Thứ nhất: Các cam kết của các chính phủ được công bố

Trong phiên họp cuối tuần trước, các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương 7 nước công nghiệp phát triển đã đưa ra tuyên bố chung về việc “sẽ sử dụng mọi công cụ” ngăn chặn khủng hoảng.

Tuy nhiên báo giới phương Tây vẫn hồ nghi khi đặt ra câu hỏi: “mọi công cụ” ở đây là gì?

Và câu trả lời đã có khi ngày 12/10, các nhà lãnh đạo 15 nước sử dụng chung đồng Euro đã nhất trí về một kế hoạch giải cứu tập thể dành cho các ngân hàng của khu vực này.

Theo đó, các nước sử dụng chung đồng Euro sẽ cam kết bảo lãnh cho các khoản nợ do các ngân hàng phát hành với kỳ hạn tối đa 5 năm; cam kết tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn và không để các ngân hàng quan trọng phá sản; cho phép các chỉnh phủ mua lại cổ phần trong các ngân hàng khi cần thiết.

Đến ngày 13/10, Chính phủ Đức công bố sẽ dành 400 tỷ Euro (543,4 tỷ USD) để đảm bảo sự ổn định cho các ngân hàng và 100 tỷ Euro để thành lập các quỹ nhằm quốc hữu hóa ngân hàng thương mại nếu cần.

Chính phủ Pháp sẽ thành lập các quỹ có tổng vốn 320 tỷ Euro để đảm bảo các khoản tiền cho vay của các ngân hàng và 40 tỷ Euro để cung vốn cho các ngân hàng khi cần.

Chính phủ Anh chi 37 tỷ Bảng Anh (64 tỷ USD) để giải cứu 3 ngân hàng của nước này là Royal Bank of Scotland, HBOS và Lloyds.

Như vậy, trong nhiều ngày qua, các chính phủ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Áo, Bồ Đào Nha đã công bố sẽ dành tổng cộng 1,96 nghìn tỷ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngay trong ngày 13/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ công bố sẽ tiến hành các đợt bơm vốn không giới hạn cho thị trường tài chính cho đến năm 2009.

Và thông tin cuối cùng được phát đi từ chính “tâm bão”, rằng Chính phủ Mỹ sẽ đầu tư 250 tỷ USD để mua các cổ phiếu khối tài chính, đặc biệt là cổ phiếu khối ngân hàng.

Như vậy, cùng với các biện pháp cắt giảm lãi suất cơ bản, cam kết nâng cao mức bảo hiểm tiền gửi trong ngân hàng..., nay, nhiều chính phủ đã có một động thái tiếp theo mang tính toàn diện hơn, hay nói cách khác là thực hiện đúng điều thị trường đang mong đợi, nên đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư, cũng như khiến giới đầu cơ phải tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Thứ hai: Tác động từ làn sóng “tăng bất thường” của chứng khoán châu Á, châu Âu

Trước các biện pháp vĩ mô được công bố, chứng khoán châu Á đã tăng mạnh mẽ, tiếp đến chứng khoán châu Âu tăng “bất thường”. Điều này đã tác động không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư Mỹ.

Hơn nữa thị trường lãi suất liên ngân hàng cũng có một ngày giảm kỷ lục, nên đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Thứ 3: Khả năng “tát nước theo mưa” của giới đầu cơ

Trong tuần trước đó, chỉ số Dow Jones mất 18,15%, vốn hóa thị trường của 30 cổ phiếu trong chỉ số này đã mất đi 612 tỷ USD, riêng hai ngày cuối tuần, vốn hóa thị trường của các cổ phiếu đã mất đi 263,7 tỷ USD.

Chỉ số S&P 500 đã mất tới 18,2%, khiến giá trị vốn hóa thị trường của 500 cổ phiếu trong chỉ số này đã bị “bốc hơi” 1.800 tỷ USD.

Như vậy, chỉ trong một tuần, thị trường chứng khoán Mỹ giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị vốn hóa thị trường đã giảm hàng nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm 2007.

Riêng với cổ phiếu của 30 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ trong chỉ số Dow Jones đã sụt giảm mạnh, có những cổ phiếu như General Motor đã giảm hơn 84%, cổ phiếu Citigroup, Bank of America... đều giảm trên 50% so với cùng kỳ năm trước (xin xem bảng dưới bài).

Điều này đã tạo ra cú sốc lớn cho các nhà đầu tư, nên khi có tin tức hỗ trợ thực sự, nhà đầu tư đều ào ạt tung lệnh mua vào. Giới đầu cơ coi đây là cơ hội lớn, nên đã tung các lệnh với khối lượng giao dịch lên đến hàng triệu cổ phiếu/lệnh.

Ngoài ra, ở Mỹ, hoạt động mua bán cổ phiếu trong ngày “day trading” diễn ra sôi động và tạo ra tính thanh khoản cao. Do lệnh cấm bán khống đối với hơn 950 cổ phiếu vẫn có hiệu lực (bao gồm gần như tất cả blue-chip của Mỹ) nên khả năng kiếm lời từ việc đầu cơ giá xuống không còn. Do đó, nhà đầu tư chỉ có thể kiếm lời từ việc mua thấp bán cao.

Quan sát trên sàn New York, có thể thấy các lệnh đặt mua đã được hiện lên trên bảng giao dịch với khối lượng cực lớn ở nhiều mức giá khác nhau, bước nhảy của cổ phiếu không còn ở 1 cent, 5 cent như thường ngày nữa, mà là vài chục cent. Nhiều mã chứng khoán có nhiều lệnh đặt mua với hàng triệu cổ phiếu ở một mức giá nhưng bên bán đều không có mức giá tương ứng. Do đó, muốn mua cần phải đặt giá cao với các thao tác liên tục theo thị trường.

Do đó, khi các chỉ số tăng trưởng trên 6%, vẫn không có nhiều nhà đầu tư bán ra, điều này càng làm cho các điểm kháng cự liên tục bị phá vỡ. Sự bất cân xứng này khiến đà tăng của chứng khoán Mỹ liên tục được duy trì đến khi thị trường đóng cửa, với mức tăng trên 11%.

Diễn biến giá cổ phiếu 30 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ trong chỉ số Dow Jones:

STT Tên công ty
Giá đóng cửa phiên 13/10 (USD)
% tăng/giảm so với phiên trước
% tăng/giảm so với cùng kỳ 2007

Vốn hóa thị trường đến 13/10/2008 (tỷ USD)

1 Alcoa Inc AA 13,82 22,84 -63,75 11,06
2 Amerrica Express AXP 27,30 17,93 -56,82 31,65
3 Boeing BA 47,08 12,63 -51,31 34,85
4 Bank of America BAC 22,79 9,20 -56,23 103,97
5 Citigroup C 15,75 11,62 -67,09 85,76
6 Caterpillar CAT 49,48 14,72 -38,38 30,12
7 Chevron CVX 69,89 20,85 -23,54 143,59
8 Du Pont de Nemours DD 37,23 11,47 -24,11 33,59
9 Walt Disney DIS 26,72 15,97 -24,66 50,14
10 General Electric GE 21,00 -2,33 -48,81 208,91
11 General Motor GM 6,51 33,13 -84,73 3,69
12 Home Depot HD 21,71 9,92 -35,07 36,87
13 Hewlett -Packard HPQ 41,40 11,89 -19,68 101,39
14 Intl Business Machs IBM 92,21 5,08 -21,72 124,93
15 Intel Corp INTC 16,99 11,85 -36,67 95,52
16 Johnson & Johnson JNJ 62,68 12,23 -4,94 175,16
17 JPMorgan Chase JPM 41,99 0,84 -10,31 144,32
18 Coca Cola KO 47,26 13,88 -18,23 109,24
19 Kraft Foods KFT 28,33 3,96 -16,30 43,01
20 MCDonalds MCD 57,25 7,31 -0,40 64,39
21 3M Company MMM 59,62 9,88 -36,68 41,67
22 Merck & Co MRK 29,42 12,16 -45,01 63,03
23 Microsoft MSFT 25,50 18,6 -15,47 232,82
24 Pfizer Inc PFE 16,68 10,17 -33,96 122,44
25 Procter & Gamble PG 63,29 6,26 -11,72 192,04
26 AT & T Inc T 26,07 16,28 -38,35 153,63
27 United Techonologies UTX 54,13 13,65 -32,60 52,20
28 Verizon VZ 28,93 8,07 -39,03 82,38
29 Wal Mart Stores WMT 54,50 6,97 -15,81 214,40
30 Exxon Mobil XOM 73,08 17,19 -21,82 379,58
Nguồn: CNBC, Reuters

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý