Bản chất của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra - TTVNOL.com

Bản chất của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra - TTVNOL.com

“Tài chính toàn cầu đối diện với nguy cơ khủng hoảng CDS

Theo Asia Times Online, trong khi các thị trường tài chính toàn cầu rung động vì cuộc khủng hoảng ở Mỹ và các ảnh hưởng của nó, một cuộc khủng hoảng khác lại sắp xuất hiện và lần này là trên thị trường trao đổi nợ tín dụng (CDS) với số tiền lên tới 62 ngàn tỷ USD.

Loại hình dịch vụ trao đổi nợ tín dụng (CDS) này đã được một sinh viên khoa toán trường Đại học Cambridge có tên là Blythe Masters nghĩ ra cách đây một vài năm. Masters đã thuyết phục các nhà quản lý ngân hàng JP Morgan Chase ở New York phát triển dịch vụ mới đầy rủi ro này.

CDS là một thỏa thuận giữa hai bên, trong đó một bên trả phí dịch vụ định kỳ cho bên kia và được cam kết nhận đủ số tiền cho vay tín dụng nếu bên thứ ba không trả được nợ. Bên nhận được "bảo hiểm tín dụng" được gọi là "bên mua". Bên cung cấp dịch vụ "bảo hiểm tín dụng" được gọi là "bên bán". Bên có thể bị phá sản hay không thanh toán được nợ được gọi là "bên liên quan".

Dịch vụ CDS trở nên phổ biến khi các rủi ro tín dụng xuất hiện ngày càng nhiều trong 7 năm qua ở Mỹ. Các ngân hàng cho rằng với CDS, các ngân hàng này có thể dàn trải rủi ro trên khắp toàn cầu. CDS giống như một hợp đồng bảo hiểm vì chúng có thể được các chủ nợ mua để đề phòng nguy cơ bên vay không thanh toán được nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, do không có yêu cầu cầm cố bất cứ tài sản nào nên CDS cũng có thể được sử dụng cho các mục đích đầu cơ.

Nhà tài phiệt Mỹ Warren Buffett đã từng mô tả dịch vụ CDS như "vũ khí tài chính có sức hủy diệt hàng loạt". Trong báo cáo thường niên của ông với các cổ đông của hãng Berkshire Hathaway, ông cho rằng nếu các hợp đồng CDS không thế chấp hoặc bảo đảm, giá trị của hợp đồng phụ thuộc vào độ đáng tin cậy của các bên. Trong khi đó, không ai để ý việc các bên làm ăn thua lỗ hay có lãi lớn, trước khi hợp đồng được thanh lý. Một hợp đồng CDS thường được thực hiện trong 5 năm.

Cũng như nhiều dịch vụ tài chính ngoại lai cực kỳ phức tạp và sinh lời trong thời buổi cho vay tín dụng dễ dàng, khi các thị trường đảo lộn, thì rủi ro ngày càng lớn hơn. Giờ đây, một cuộc khủng hoảng trên thị trường CDS đang ngày một lộ rõ do ngày càng có nhiều các công ty của Mỹ không thanh toán được số trái khoán phát hành khi suy thoái kinh tế ngày một lún sâu. Một thảm họa trên thị trường sắp xuất hiện. Ước tính 1,2 ngàn tỷ USD trong các hợp đồng CDS chưa thanh lý sẽ gặp rắc rối, tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng trên thị trường cho vay thứ cấp vừa qua.

Phản ứng dây chuyền những sự đổ vỡ trên thị trường CDS có thể châm ngòi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sắp tới. Thị trường CDS hoàn toàn không bị quản lý, và nhà nước không biết việc liệu bên bán có tài sản để trả cho bên mua hay không nếu các công ty không thanh toán được số trái khoán đến hạn. Rủi ro này như một quả bom hẹn giờ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dưới thời cựu Chủ tịch quá dễ dãi Alan Greenspan, và các quan chức phụ trách tài chính trong chính quyền Mỹ đã cho phép thị trường CDS phát triển hoàn toàn không có sự giám sát nào. Việc các công ty không thanh toán được nợ sẽ khiến các bên mua tìm cách thu hàng trăm tỷ USD từ bên bán. Động thái này sẽ làm cuộc khủng hoảng tài chính này thêm phức tạp, dẫn đến nhiều vụ kiện tụng và tranh cãi, vì bên mua sẽ tranh cãi với bên bán về định nghĩa thế nào là không thanh toán được nợ.

Một số người sợ rằng hệ thống tài chính có thể bị đóng băng. Các chuyên gia trên thị trường CDS cho rằng cuộc khủng hoảng này sẽ có thể bắt đầu từ các quỹ đầu cơ không có khả năng trả nợ cho các ngân hàng, ít nhất là 150 tỷ USD. Các ngân hàng sẽ tìm cách ngăn ngừa thảm họa không trả được nợ bằng cách yêu cầu các quỹ đầu cơ phải cầm cố thêm.

Luật pháp không yêu cầu các bên bán dịch vụ CDS phải có những khoản dự trữ. Không có tiêu chuẩn nào trong ngành bảo hiểm này. Bên bán CDS cũng như một công ty bán bảo hiểm bão lụt, nhưng không có những khoản tiền dự trữ để trả tiền bảo hiểm. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế Basle, tổ chức giám sát các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, lo sợ hiểm họa này.

Diễn đàn Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel, một tổ chức quốc tế gồm các cơ quan quản lý ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán, hồi tháng 4 cũng cảnh báo hoạt động của các quỹ đầu cơ đang là mối đe dọa đối với các thị trường tài chính trên khắp thế giới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý