Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp chưa sâu?

Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp chưa sâu?
18/09/2008 10:47:34 (GMT+7)
Mặc dù theo công bố kết quả của CIC, chỉ số tín dụng của các doanh nghiệp niêm yết năm nay khá tốt, nhưng một số ý kiến cho rằng việc dựa vào các chỉ tiêu tài chính để kết luận độ tin cậy chỉ số tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp lại chưa phản ánh đúng thực tế.

CIC vừa công bố chỉ số xếp hạng tín dụng doanh nghiệp niêm yết năm 2007. Nhìn vào chỉ số này, có vẻ mọi thứ đều ổn, nhưng vẫn còn băn khoăn về chất lượng xếp hạng do chưa bóc tách kỹ phân loại hệ số nợ theo phân ngành.

Năm ngoái, Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ số xếp hạng tín dụng lần đầu tiên của 198 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm nay, CIC tiếp tục xếp hạng 293 doanh nghiệp trong số 299 doanh nghiệp niêm yết và kết quả cho thấy, tình hình tài chính và độ tín nhiệm tín dụng của các doanh nghiệp đều rất tốt.

Hầu hết đều khả quan!

CIC phân loại doanh nghiệp niêm yết theo 8 ngành, gồm: trồng trọt, chăn nuôi; chế biến các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng và bất động sản; thương mại hàng hóa; dịch vụ; công nghiệp khai thác năng lượng; công nghiệp chế tạo; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.

Trong đó, doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các doanh nghiệp phân loại với con số 95, chiếm 31,77%, tăng 23,38% so với số doanh nghiệp phân loại năm trước.

Kế đến là doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản với 62 doanh nghiệp, chiếm 20,74%, tăng 100%; nhóm ngành dịch vụ có 49 doanh nghiệp, chiếm 16,39%, tăng 44,12% và nhóm ngành trồng trọt chăn nuôi chỉ có 2 doanh nghiệp.

Ngoài ra, số doanh nghiệp lớn có 151 đơn vị, 119 doanh nghiệp quy mô trung bình và 29 doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Theo kết quả phân loại, so với năm 2006, số lượng doanh nghiệp xếp hạng tối ưu (AAA) là 117 doanh nghiệp, chiếm 39,93%, tăng 23,16%; doanh nghiệp xếp hạng khá tốt (từ BB đến AA) là 170 doanh nghiệp, chiếm 58,02%, giảm 1,73% và số doanh nghiệp xếp hạng trung bình (CCC - đến B) là 6 doanh nghiệp, chiếm 2,05%, giảm 76%.

Số doanh nghiệp tăng hạng so với 2006 là 135, giảm hạng là 36 và số giữ nguyên hạng là 122.

Ngoài ra, số doanh nghiệp xếp hạng AAA trong ngành thương mại hàng hóa chiếm tỷ lệ cao nhất với 53,3% trong số 30 doanh nghiệp niêm yết ở ngành này; ngành công nghiệp sản xuất tiêu dùng chiếm 52,6% của 95 doanh nghiệp niêm yết. Tỷ lệ doanh nghiệp xếp loại AAA thấp nhất thuộc về ngành xây dựng và bất động sản với 14,5% trong số 62 đơn vị.

Ông Đào Quang Thông, Phó giám đốc CIC, nhận xét: “Nhìn chung, kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện, chỉ tiêu tài chính khả quan, khả năng thanh toán được cải thiện, chỉ số sinh lời đạt điểm cao, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh”.

Cần bóc tách hệ số nợ sâu hơn

Mặc dù theo công bố kết quả của CIC, chỉ số tín dụng của các doanh nghiệp niêm yết năm nay khá tốt, nhưng một số ý kiến cho rằng việc dựa vào các chỉ tiêu tài chính để kết luận độ tin cậy chỉ số tín nhiệm tín dụng doanh nghiệp lại chưa phản ánh đúng thực tế.

Để xếp hạng, một trong những vấn đề mà CIC quan tâm khi “chấm điểm” là chỉ tiêu tài chính. Trong đó, CIC dựa vào các thông số như: chỉ tiêu thanh khoản (khả năng thanh toán ngắn hạn, dài hạn); chỉ tiêu hoạt động (vòng quay hàng tồn kho, kỳ thu tiền bình quân, hiệu quả sử dụng tài sản); chỉ tiêu cân nợ (nợ phải trả/tổng tài sản, nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu, nợ không đủ tiêu chuẩn/tổng dư nợ ngân hàng) và chỉ tiêu lợi nhuận (tổng lợi nhuận sau thuế/doanh thu, tổng lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản).

Tuy nhiên, ông Đặng Xuân Giang, Phó chủ tịch CLB các nhà đầu tư chứng khoán Hà Nội, cho rằng tất cả những chỉ tiêu này không phản ánh được mức độ tín nhiệm theo kỳ vọng mà CIC muốn thể hiện qua công bố của mình. Chúng cũng chưa tạo được sự khác biệt và độ sâu phân tích chỉ tiêu tài chính khi đánh giá xếp hạng tín dụng doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là phân loại hệ số nợ theo phân ngành.

“Để đánh giá chỉ số xếp hạng tín dụng doanh nghiệp, CIC đã phân biệt được tín dụng dài hạn và tín dụng ngắn hạn của doanh nghiệp chưa?”, ông Giang thắc mắc.

Đơn cử, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nặng thì phải phân biệt tín dụng trung, dài hạn và tín dụng ngắn hạn. Mặc dù hệ số nợ của doanh nghiệp có thể thấp nhưng tỷ trọng nợ ngắn hạn cao so với tổng tài sản thì đó là một bất cập.

Điều này cho thấy có hai khả năng: một là doanh nghiệp đã dùng vốn ngắn hạn (lưu động) đầu tư vào tài sản cố định, trong trường hợp tài sản cố định lớn hơn vốn chủ sở hữu và vốn vay trung dài hạn. Hai là, vốn lưu động đã không được sử dụng hiệu quả vì thừa vốn lưu động, thực tế doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp nặng thì tỷ trọng vốn lưu động rất thấp so với vốn trung và dài hạn.

Rất có thể, khi tính chung hệ số nợ/tổng tài sản thì tình hình tài chính doanh nghiệp đó rất tốt nhưng nếu tính về khả năng thanh toán thì lại có vấn đề.

Tương tự như vậy, doanh nghiệp hoạt động thương mại chủ yếu hoạt động bằng nguồn vốn ngắn hạn nhưng tỷ trọng nợ dài hạn cao hơn tỷ trọng nợ ngắn hạn thì đó cũng là điều không bình thường trong sử dụng nguồn vốn.

Một vấn đề nữa, đó là CIC cũng đề cập đến thông số “nợ không đủ tiêu chuẩn/tổng dư nợ ngân hàng” để làm cơ sở chấm điểm độ tin cậy tín dụng của doanh nghiệp nhưng như thế nào là “nợ không đủ tiêu chuẩn”?

Thực tế hiện nay, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng được thực hiện theo điều 7 của Quyết định 493/QĐ - Ngân hàng Nhà nước nhưng mới chỉ có một ngân hàng thực hiện theo điều 7, phần lớn các ngân hàng đều thực hiện theo điều 6.

Thực hiện theo điều 6 thì độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp thấp hơn so với điều 7 trong khi CIC vẫn “chấm” theo điều 6, sẽ rất khó kết luận là doanh nghiệp đó có độ tín nhiệm tín dụng cao.

Bởi vậy, theo một số ý kiến phân tích tài chính, nếu CIC kỳ vọng độ tín nhiệm cao trong các công bố lần sau thì cần phải mổ xẻ kỹ hơn về các chỉ tiêu nói trên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý