Chiến lược mặt biển của Trung Quốc và vấn đề Biển Ðông [3] - trích blog bờM®

Chiến lược mặt biển của Trung Quốc và vấn đề Biển Ðông [3]
“…nằm ngay trên trục lộ bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải đảm trách một vai trò chủ yếu trong việc giữ gìn an ninh khu vực miễn là họ không chứng tỏ ý muốn thôn tính một nước khác hay đóng vai trò tiền phong cho một chủ nghĩa nào…”

IV. Sự quân bình chiến lược của Á Châu

A. Tương quan lực lượng vùng Ðông Bắc Á Châu

Mặc dầu không còn được coi như một cường quốc quân sự, Nhật Bản vẫn là quốc gia có tiềm năng đáng kể và là quốc gia mà Trung Cộng vẫn còn gờm. Ngay từ thập niên 1970, khi tương quan giữa Mỹ và Nhật bắt đầu suy thoái, Nhật Bản đã tính chuyện tái võ trang cũng như chuẩn bị cho mình một thế đứng một khi Hoa Kỳ đổi hướng. Khi chính quyền Nixon và Kissinger bắt tay với Trung Cộng, chính phủ Mỹ đã mặc nhiên nhượng bộ cho Tàu nhiều vấn đề, không đếm xỉa gì đến các đồng minh cũ. Việt Nam bị bỏ rơi, kể cả việc để yên cho Trung Cộng chiếm các hải đảo ngoài khơi biển đông. Ðài Loan bị mất ghế tại Liên Hiệp Quốc, Nhật Bản bị o ép nhiều khu vực mậu dịch. Chính vì thế, Nhật Bản phải đi tìm một thế chiến lược mới ngõ hầu họ tiếp tục là một cường quốc kinh tế và nếu cần cũng có thể biến thành một cường quốc quân sự.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại bị những ràng buộc từ hiệp ước an ninh Mỹ Nhật đến điều 9 hiến pháp giới hạn phát triển quân sự trong nhiệm vụ tự vệ mà thôi. Thành thử, họ không những không thể bành trướng quân đội mà cũng không thể được quyền trang bị hỏa tiễn liên lục địa. Việc tái trang bị cũng gây ra những phản ứng chống đối từ nhiều quốc gia trong vùng Á Châu Thái Bình Dương, là những nước từng bị Nhật đô hộ dưới thời thế chiến thứ hai. Việc tu chính hiến pháp cũng đưa đến tình hình phức tạp trong quan hệ Nhật-Nga-Hoa.

Thành ra, Nhật Bản phải đi tìm một đường lối uyển chuyển hơn. Nhật Bản đưa ra một phương án gọi là "an ninh thức thời" nghĩa là tăng cường quan hệ với những quốc gia trọng điểm của từng khu vực, chẳng hạn như Ai Cập ở Trung Ðông hay Indonesia tại Ðông Nam Á. An ninh kinh tế gắn liền với an ninh quân sự và những quốc gia nào có quan hệ kinh tế mật thiết với Nhật nhận được viện trợ dồi dào hơn.

Ðến tháng 5 năm 1981, thủ tướng Suzuki đưa ra nguyên tắc là Nhật sẽ đảm nhậm trách nhiệm bảo vệ hải trình cách nước Nhật đến 1000 hải lý (1850 km) nhưng bị phản đối dữ dội. Thủ tướng Nakasone cũng đề ra cộng đồng an ninh khu vực và kế hoạch chế tạo hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ. Nhật cũng liên minh với Nam Hàn và viện trợ cho Nam Hàn 4 tỉ yen để cải thiện và trang bị quân sự. Không phải chỉ với Nam Hàn, Nhật còn liện lạc cả với Bắc Hàn để tạo những liên quan kinh tế, chính trị, ngoại giao chằng chịt. Hai phái bộ Nhật và Bắc Hàn đã gặp nhau cả thảy 3 lần hồi năm 1990 tại Bắc Kinh. Thảo luận bao gồm nhiều điểm kể cả bình thường hoá ngoại giao, kinh tế, các vấn đề quốc tế. Thành thử, Nam Hàn đâm ra nghi ngờ không hiểu Nhật có ủng hộ việc thống nhất của họ hay không, hay chỉ muốn Triều Tiên mãi mãi bị chia cắt để không bao giờ trở thành một đối thủ.

Ðối với Tàu, vì Nhật Bản vốn dĩ có một tầm ảnh hưởng quan trọng đối với dân chúng tại Ðài Loan (ngay Tổng Thống Lý Ðăng Huy cũng nói tiếng Nhật thạo hơn nói tiếng quan thoại và ngày ngày vẫn đọc báo Nhật nên người ta nghi ông có khuynh hướng ly khai với lục địa để hợp tác với Nhật) và nhất là Nhật đối xử tàn ác với dân chúng Trung Hoa trong thời đệ nhị thế chiến nên hiện nay tuy Nhật cố gắng thân thiện để mở rộng ảnh hưởng kinh tế, Trung Cộng vẫn phát động công khai nhiều chiến dịch tố cáo và bài trừ Nhật. Có lẽ nếu phải gây chiến với một cường quốc để rửa nhục, đối tượng đầu tiên mà Trung Cộng nhắm tới sẽ là Nhật Bản. Trong nhiều trường hợp, Nhật Bản đang đóng vai một "kẻ xấu" làm đối tượng căm thù của Tàu.

Về phía Liên Xô, kể từ khi cải cách chính trị và từ bỏ đường lối cộng sản, họ còn phải đối phó với nhiều khó khăn nội bộ, chưa có lối thoát. Chính vì thế hiện nay chính sách của Liên Xô tại vùng Thái Bình Dương không còn nổi bật như trước và ảnh hưởng của họ cũng kém đi nhiều. Nếu có những xung đột trong vùng, Liên Xô không có một vị thế đáng kể. Trong nhiều năm qua, Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ tập trung nỗ lực vào việc phát triển mậu dịch với các quốc gia Á Châu hơn là tìm một ưu thế về chiến lược.

B. Khu vực Ðông Nam Á

Kể từ khi cuộc Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, các quốc gia vùng Ðông Nam Á không còn được che chở bởi một hệ thống an ninh của Hoa Kỳ như trước nữa. Thái độ của Việt Nam ngả hẳn theo Liên Xô sau khi chiến tranh chám dứt đã gây ít nhiều quan ngại cho những nước láng giềng. Những quốc gia này phải tìm một tư thế an toàn khu vực bằng liên minh quân sự hay kinh tế, đồng thời cố gắng hiện đại hoá hệ thống quân sự theo khả năng của mỗi nước. Cho đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia có một lực lượng đáng kể nhất mặc dầu vũ khí và trang bị không được cập nhật hoá trong hai mươi năm qua. Với quân số vào khoảng 1 triệu người, Việt Nam đứng hàng thứ ba trên thế giới sau Liên Xô và Trung Hoa. Trong những quốc gia ở Ðông Nam Á châu, chỉ có Singapore là tiêu nhiều tiền nhất vào việc cải thiện hệ thống quân sự. Với ngân sách khoảng 1.5 tỉ dollar, Singapore sử dụng trong quốc phòng ngang với Indonesia hay Thái Lan mặc dù lãnh thổ và dân số ít hơn nhiều. Hiện nay, Singapore có khoảng 200 phi cơ quân sự, hầu hết có khả năng sử dụng yểm trợ hải lực tầm trung. Ngoài ra, Singapore còn có một số hỏa tiễn chống chiến hạm và khả năng tiếp tế nhiên liệu trên không. Theo tài liệu của tuần báo The Economist, số ra ngày 20 tháng 2 năm 1993, trong bài báo nhan đề “Asia’s Arm Race” (Cuộc Chạy Ðua Võ Trang của Á Châu), lực lượng của các quốc gia Á Ðông như sau (cần tài liệu tham khảo - đính chính phần này):

Quốc gia
Lực lượng quân đội
Không Quân
(chiến đấu cơ)
tàu chiến
hải Quân
tàu ngầm
phi cơ
Lục Quân
thiết giáp nặng
thiết giáp nhẹ
Trung Hoa 3,030,000 5,000 54 46 945 2,300,000 7,500 2,000
Ấn Ðộ 1,265,000 675 28 [53] 15 120 1,100,000 3,800 100
Bắc Hàn 1,130,000 730 3 26 - 1,000,000 3,000 55
Việt Nam 860,000 185 7 - - 700,000 1,300 600
Nam Hàn 635,000 405 38 4 60 520,000 1,800 -
Pakistan 580,000 350 13 6 15 515,000 2,000 -
Taiwan 360,000 485 33 4 45 260,000 450 900
Indonesia 285,000 80 17 2 35 215,000 150 -
Japan 245,000 440 64 17 170 155,000 1,200 -

Các phân tích gia đã nhận định rằng trong khi các quốc gia Tây phương nhất là khối NATO và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang tìm đủ mọi cách tài giảm binh bị để dồn nỗ lực vào kinh tế thì các quốc gia Á Châu, nhất là Trung Cộng vẫn cố gắng gia tăng ngân sách quốc phòng. Trung Cộng cũng gia tăng việc bán võ khí cho thế giới thứ ba, gây khó khăn cho Hoa Kỳ và các cường quốc trong nỗ lực kiểm soát hỏa tiễn và kỹ thuật quân sự khác. Ðiều đáng nói là Hoa Kỳ chỉ có thể kiểm soát được việc bán vũ khí cho Trung Cộng nhưng lại vô phương ngăn chặn việc họ tuôn vũ khí bán ra ngoài.

C. Việt Nam và Biển Ðông

Kể từ khi chủ nghĩa Cộng Sản sụp đổ ở Ðông Âu và Liên Xô, giới lãnh đạo Việt Nam không còn có thể theo đuổi một chính sách liên kết với đồng minh ở xa để đối phó với kẻ thù gần như trước nữa. Việt Nam rơi vào thế thụ động và nỗ lực tìm cách thoát ra khỏi sự cô lập của thế giới bên ngoài cũng như tìm những liên minh mới để thay thế vai trò của Liên Xô. Tuy nhiên, hai bài học của thời kỳ hậu chiến khiến cho giới lãnh đạo Việt Nam hết sức dè dặt trên mặt ngoại giao:

Thứ nhất, họ ý thức được rằng Trung Quốc là một nước lớn ở ngay bên cạnh sườn. Dù hoàn cảnh nào, việc gây hấn với phương bắc không phải là một chiến lược có thể theo đuổi lâu dài. Vì thế, một chính sách nhịn nhục, mềm dẻo để bảo vệ chủ quyền có lợi hơn là trực diện chống đối. Hơn thế nữa, trong suốt 40 năm theo chế độ cộng sản, tuy có giai đoạn hai bên công kích và xung đột kịch liệt, đảng cộng sản Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng đảng cộng sản Trung Hoa rất nhiều, từ ý thức chính trị đến tổ chức cơ sở, nhất là hai quốc gia lại có chung một mẫu số văn hoá trong lịch sử. Một số lớn đảng viên kỳ cựu đã được Trung Cộng huấn luyện, có nhiều liên hệ với các giới đương quyền tại Bắc Kinh. Chính mô hình kinh tế mà họ đang theo đuổi cũng lại là một phó sản của cuộc cải cách tại Trung Hoa.

Thứ hai, Việt Nam cũng nhìn ra dù hình thức liên minh quân sự nào nều không được hỗ trợ bởi kinh tế cũng không được bền lâu. Những tương quan quốc tế mới gắn liền với những liên hệ kinh tế đa phương. Việt Nam vì thế đã đưa ra nhiều hình thức chiêu dụ đầu tư để lôi kéo các quốc gia tư bản, đặc biệt là Nhật Bản, Âu Châu và nhất là Hoa Kỳ. Sự hiện diện của những công ty quốc tế đóng một vai trò quan trọng không những trên mặt chính trị mà cả mặt an ninh khu vực. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhận ra được rằng họ phải đi tìm một hình thức độc lập hơn về quốc phòng, không còn có thể đóng vai trò mũi nhọn trong công tác bành trướng khối xã hội chủ nghĩa mà phải tìm một vị thế chiến lược ổn định chung hơn là ngả hẳn về một siêu cường nào.

Từ sau thế chiến thứ hai tới nay, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đảm trách việc giữ gìn an ninh trong vùng. Nếu như hạm đội số 7 rút ra khỏi Thái Bình Dương, việc chạy đua võ trang trên mặt biển giữa Nhật Bản, Trung Quốc, và những quốc gia vùng Ðông Á là điều không thể tránh khỏi. Tình trạng bất ổn sẽ phương hại nghiêm trọng đến sự thịnh vượng chung của toàn vùng. Hoa Kỳ cũng còn là cán cân kinh tế và quốc gia nào cũng muốn gia tăng mậu dịch và đầu tư với nước Mỹ. Dẫu rằng khuynh hướng giao dịch giữa các quốc gia trong vùng gia tăng mãnh liệt trong vài năm qua nhưng số lượng xuất cảng ra ngoài vẫn đóng một vai trò quan trọng. Sự có mặt của Hoa Kỳ còn là một đối trọng cho ảnh hưởng của Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia viện trợ và đầu tư nhiều hơn cả. Nếu Hoa Kỳ thu lại, Nhật Bản bắt buộc phải tìm cách trám vào chỗ trống mà Mỹ bỏ đi. Như thế, một không khí nghi kỵ sẽ nổi lên e sợ Nhật Bản trở thành một siêu cường quân sự như thời thế chiến thứ hai.

Sau chiến tranh Việt Nam, các chính phủ Hoa Kỳ vẫn cố gắng không trực tiếp can thiệp vào khu vực Ðông Nam Á. Ngay cả những công trình nghiên cứu qui mô về khu vực này cũng bị lãng quên. Nhiều học giả ngạc nhiên khi thấy Mỹ gần như không ảnh hưởng gì tới việc phát triển của khu vực này trong hai thập niên qua, ngay cả việc chuyển biến từ một chính sách kinh tế chỉ huy sang kinh tế thị trường tại Việt Nam cũng không do sáng kiến của Hoa Kỳ. Thành thử, đối với nhiều chính khách, việc Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam hồi tháng 7 năm 1995 là quá sớm nhưng dưới nhãn quan chiến lược và kinh tế thì nhiều chuyên gia lại coi là đã trễ.[54] Nhiều dấu hiện gần đây cho thấy Hoa Kỳ trở nên quan tâm đến vùng châu Á Thái Bình Dương hơn châu Âu vì hiện nay vùng này đang phát triển mạnh, sẽ trở thành khu vực nhập cảng hàng của Mỹ nhiều nhất trong thế kỷ kế tiếp.[55] Việt Nam nay cũng được xếp hạng những quốc gia đang lên (big emerging markets) và cũng sẽ là một khách hàng có tiềm năng đáng kể.[56] Thành thử, trên cả quân sự lẫn kinh tế, nước Mỹ cảm thấy họ phải có thái độ tích cực hơn đối với vùng Ðông Á, không những là một lực lượng bảo vệ hoà bình mà còn phải điều chỉnh cán cân lực lượng cho tới khi nào các quốc gia này có đủ sức đối phó với sự bành trướng của Trung Hoa. Lẽ dĩ nhiên Hoa Kỳ cũng không quên rằng họ vẫn là quốc gia xuất cảng nhiều vũ khí hơn cả, trong cũng như sau thời kỳ Chiến Tranh Lạnh và thu nhập quốc phòng đóng một phần quan trọng trong sản lượng quốc gia.

Cho tới gần đây, người Mỹ vẫn nhìn Trung Cộng như một thị trường vĩ đại cần phải ve vãn. Tuy nhiên, nếu nhìn về mặt kinh tế, Trung Cộng có lợi thế nhiều hơn trong bang giao giữa hai nước. Khiếm ngạch mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng tăng và hiện nay hàng hoá của Tàu tràn ngập các cửa hàng bách hoá của Mỹ. Chỉ nhìn thấy những vấn đề trước mắt, Hoa Kỳ đã không quan tâm tới hai điểm:

Thứ nhất, Trung Cộng thỏa hiệp với Mỹ hoàn toàn chỉ có tính chất giai đoạn. Dưới mắt của nhân dân Trung Hoa, người Mỹ vẫn là dân tộc đáng ghét nhất, đầy xấu xa, là một kẻ thù cần đề phòng. Hình ảnh chính trị và kinh tế mà người Tàu ngưỡng mộ là Singapore vì đường lối độc tài ở đó phù hợp với lối giải thích của họ hơn nền dân chủ kiểu Tây phương. Cái mơ ước trong tim của những người lãnh đạo Trung Nam Hải là một ngày nào đó họ sẽ dạy cho Mỹ, Nga, Nhật một bài học để trả thù mối nhục lịch sử với các dân tộc đó.[57]

Thứ hai, người Mỹ đã không đặt nặng vai trò của cộng đồng người Hoa ở khắp nơi. Năm mươi lăm triệu người Tàu ở bên ngoài chính quốc sở hữu một tài sản ước tính lên đến 2000 tỉ mỹ kim, kiểm soát một đế quốc vô hình quản trị bằng liên hệ thân tộc ở khắp nơi trên thế giới.[58] Sức mạnh kinh tế của những tập thể đó không những lũng đoạn được các chính quyền địa phương mà còn là một lực đẩy rất mạnh đến những biến chuyển của lục địa. Vận động của Hoa Kiều trong biến cố Thiên An Môn là một thí dụ điển hình. Chính vì thế, việc nâng cấp các tập thể Hoa nhân đó không những phù hợp với chính sách ngoại giao cố hữu của Hoa Kỳ mà còn ít nhiều điều khiển được những vệ tinh xoay quanh lục địa Trung Hoa, gây tác động theo hướng thuận lợi nhất. Việc củng cố quan hệ với Ðài Loan, tái tạo uy tín với Singapore cũng như yểm trợ cho khối ASEAN là một điều cần thiết trong lúc này.

V. Kết luận

Có lẽ đến giờ này khi bàn đến thế chiến lược biển Ðông, chúng ta không còn phải đặt trọng tâm vào việc phân định chủ quyền của những quần đảo ngoài khơi nước ta. Lịch sử đã chứng tỏ Việt Nam hoàn toàn làm chủ những hòn đảo đó từ thế kỷ 19 trở về trước. Nếu xét về lý, chính hòn đảo Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ cũng chỉ thuộc về Trung Hoa trong vài chục năm nay. Hồi đầu thế kỷ này, chủ quyền những vùng đất đó cũng chưa ai xác định. Những người lãnh đạo của đảng Dân Tiến tại Ðài Loan vẫn tranh luận rằng việc Trung Hoa nhận chủ quyền trên hòn đảo của họ cũng không khác gì người Hồng Mao nhận rằng nước Mỹ là lãnh thổ của nước Anh.

Cho tới 1895, vào cuối cuộc chiến Trung Nhật, khi phải nhường đảo Ðài Loan cho Nhật, những sứ thần nhà Thanh đã gọi đó là "hòn đảo của bọn hải khấu" và nhường cho Nhật "toàn bộ và vô hạn định" cả đảo Ðài Loan lẫn quần đảo Bành Hồ. Tới hồi đó, nhà Thanh vẫn cho rằng việc "thí" cho ngoại nhân một phần đất không có gì quan trọng mà chỉ là "bỏ cái nhỏ để giữ cái lớn" như lời Kỳ Anh tâu lên vua Ðạo Quang khi ký với Anh hoà ước Nam Kinh. Thanh đình cũng khẳng định là "Ðài Loan không thuộc về lãnh thổ Trung Quốc" ý cho rằng đó chỉ là một phiên thuộc, dân chúng mọi rợ không đáng được gọi là Hán nhân.[59] Nhân dân Ðài Loan nay coi cuộc khởi nghĩa ngày mồng 1 tháng 6 năm 1895 chống lại Nhật Bản là hình thức tuyên bố độc lập của "Cộng Hoà Formosa" vì họ đã không quan tâm đến quyết định của triều đình ra lệnh bãi chiến. Chính Mao Trạch Ðông hồi còn tại Diên An cũng tán thành việc Ðài Loan thu hồi độc lập. Năm 1936, Mao đã nói: Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Trung hoa là thu hồi lại những lãnh thổ đã bị chiếm đoạt. Trong số những lãnh thổ đó, không tính đến Triều Tiên (đang thuộc Nhật) nhưng sẽ nhiệt thành giúp đỡ để họ thu hồi độc lập. Và vấn đề Ðài Loan cũng giống như thế [60]. Việc tiếp thu hòn đảo từ tay Nhật Bản sau thế chiến thứ hai cũng không khác gì việc quân Tàu sang giải giới quân Nhật tại Bắc Việt năm 1945, và không thể vì thế mà hủy bỏ quyền tự quyết của nhân dân Ðài Loan được.[61]

Vấn đề này không phải mới đặt ra gần đây mà ngay từ khi mới bị Quốc Dân Ðảng chiếm đóng, nhân dân Ðài Loan đã biểu tình đòi độc lập và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch đàn áp dữ dội trong vụ thảm án ngày 28 tháng 2 năm 1947 mà lịch sử gọi là "nhị nhị bát sự kiện"[62]

Do đó theo lịch sử, Trung Quốc rất ít liên hệ với các hòn đảo ngoài khơi. Ngay cả chủ quyền của họ trên đảo Hải Nam cũng chỉ mới từ thời trung cổ. Thành ra việc tuyên bố quyền sở hữu trên toàn thể biển đông đến tận Mã Lai và Indonesia là chuyện hoàn toàn vô căn cứ. Những học giả nào tương đối vô tư một chút đều công nhận như thế. Debra E. Soled nói rõ là việc xác nhận chủ quyền chính thức thì Trung Cộng chỉ mới bắt đầu có từ hồi 1970, khi Nhân Dân Giải Phóng Quân bắt đầu trắc địa và thăm dò quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Cộng không phải nhằm xác định chủ quyền mà chỉ chứng tỏ họ đang theo đuổi chính sách bành trướng (expansionism) và ngay cả chủ trương tân đế quốc (neo-imperialism)[63]

Một học giả Nhật là Giang Hộ Hùng Giới trong tác phẩm Sự sụp đổ của Trung Quốc cũng viết:

Nếu xét theo mặt địa dư, công bình mà nói, quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) gần Việt Nam hơn cả. Thứ đến mới tới Brunei, Mã Lai và Philippines, dù nói cách nào cũng không thể nói là thuộc lãnh thổ Trung quốc được.[64]

Tuy nhiên, giờ phút này, vấn đề chúng ta quan tâm không phải là lý mà là tình hình thực tế tại khu vực Ðông Nam Á để nhận định về những biến chuyển sắp tới có liên quan đến an ninh và vận mệnh dân tộc Việt Nam.

Thứ nhất, chủ trương bành trướng của Trung Hoa tuy có lắng xuống trong vòng 100 năm (từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20) nhưng thực ra chỉ vì họ suy yếu không đủ sức thôn tính những quốc gia láng giềng. Thế nhưng từ sau khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc được thành lập năm 1949 tới nay, Trung Cộng đã nhiều lần tranh chấp với Liên Xô, Ấn Ðộ, Việt Nam, Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ. Riêng với Việt Nam, ngoài việc lấn chiếm một số quận huyện dọc theo biên thùy phía Bắc của nước ta, Trung Cộng còn chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa. Việc tái chiếm các phần đất này trở nên gay go hơn bao giờ hết vì hiện nay chính quyền cộng sản chưa tạo được những liên minh vững chắc cũng như không đủ lực lượng để đánh bại Trung Cộng. Chính vì thế, ngoài việc phản kháng trên phương diện ngoại giao và yêu cầu áp dụng các nguyên tắc quốc tế và điều đình, Việt Nam chỉ còn cách củng cố lực lượng nơi những phần còn lại để tự vệ mà thôi. Sự hiện diện của lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại Ðông Nam Á trở thành tối cần thiết để cân bằng lực lượng, làm rào cản Trung Cộng đồng thời ngăn chặn việc Nhật Bản tái võ trang và nhảy vào trám chỗ trống về quân sự.

Thứ hai, Việt Nam hiện đóng một vai trò quan trọng trong Hiệp Hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN), làm lá chắn cho toàn vùng khỏi sự xâm lăng của Trung Quốc. Ngay từ cuối thập niên 1970, Indonesia đã mong muốn Việt Nam có đủ tư cách để đứng chung trong khối này.[65] Sau khi Hoa Kỳ từ bỏ các căn cứ ở Philippines, nhiều quốc gia đã bằng lòng cho Mỹ mượn các hải cảng của mình để sử dụng. Vấn đề an ninh chung đã trở nên quan trọng và các lãnh tụ khối ASEAN đã đưa lên bàn hội nghị để tìm những liên minh quân sự ngõ hầu đối phó với các cuộc xâm lăng. Những quốc gia trong vùng Ðông Nam Á không còn trông đợi ở "ô dù" của người Mỹ và đã phải tự mình đảm trách nhiệm vụ bảo vệ lấy mình. Về phương diện địa dư, nằm ngay trên trục lộ bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam sẽ phải đảm trách một vai trò chủ yếu trong việc giữ gìn an ninh khu vực miễn là họ không chứng tỏ ý muốn thôn tính một nước khác hay đóng vai trò tiền phong cho một chủ nghĩa nào. Chính vì nhận thức được vai trò đó, Việt Nam đang tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khối ASEAN, tìm kiếm sự giúp đỡ cũa Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản để phát triển đồng thời hoà hoãn được với Trung Quốc.

Thứ ba, việc Trung Cộng tìm cách liên kết với Pakistan, Sri Lanka, Myanmar trong vài năm qua đã gây nên sự ngờ vực từ phía Ấn Ðộ và Indonesia, e ngại Trung Hoa đang tìm cách khống chế cả vùng Ấn Ðộ Dương. Theo tin tình báo của Hoa Kỳ, Trung Cộng đã bán nhiều loại võ khí cho Pakistan và Myanmar và kỹ thuật nguyên tử cho Iran.[66] Rõ ràng Trung Hoa không muốn đứng chung trong một phe phái nào mà muốn tự mình lãnh đạo một khối riêng như thế tam phân thiên hạ mà Mao Trạch Ðông đã theo đuổi. J. Mohan Malik đã nhận định rằng "trong trường kỳ thì Trung Quốc tin rằng với sức mạnh quân sự và kinh tế họ sẽ chiếm chỗ của Hoa Kỳ, còn trong đoản kỳ thì Trung Quốc tự cho mình vai trò lãnh đạo một khối thách đố vai trò chí tôn của nước Mỹ.[67]" Tuy nhiên, vấn đề của Trung Hoa không phải vì ý thức hệ mà vì bản chất hiếu chiến của những người cầm quyền ở Trung Nam Hải, cộng thêm sách lược tinh vi của chủ nghĩa Mác xít. Nếu quả thực như thế, vấn đề khống chế toàn vùng Ðông Nam Á không những có lợi cho mặt kinh tế và quân sự mà đó chính là bước đầu tiên tạo một khu vực ảnh hưởng để tranh thiên hạ với các siêu cường khác. Âu Châu ngày nay đang tàn lụi, Mỹ Châu cũng đã qua thời kỳ vinh quang của họ và Liên Xô hiện nay tập trung vào việc giải quyết những vấn đề nội bộ hơn là tiếp tục chính sách bành trường thời thập niên 1960, 1970. Ðể sửa soạn cho thế đi lên của mình, Trung Cộng không thể không chinh phục một số thuộc địa để bảo đảm cho một thị trường căn bản.

Người ta biết rằng trong vòng vài mươi năm nữa, khi thị trường Bắc Mỹ không còn quan trọng như hiện nay, bất cứ quốc gia nào lấy chủ trương xuất cảng để phát triển đều phải bảo đảm được rằng hàng hoá của mình có chỗ tiêu thụ. Khối ASEAN phải đứng chung lại với nhau dù còn nhiều bất đồng về chính kiến và chênh lệch về mực độ phát triển. Thế nhưng nếu đứng riêng rẽ, họ sẽ bị bẻ gẫy từng nước một như một bó đũa để rời.

Sự đứng chung đó đã tạo nên một vị trí mới. Trung Cộng đã bằng lòng giải quyết vấn đề biển đông theo tinh thần quốc tế công pháp chứ không còn khăng khăng đòi nói chuyện riêng với từng nước như trước nữa. Mặc dù Trung cộng vẫn khẳng định biển đông là hoàn toàn của họ nhưng họ đã đồng ý để khai thác chung, lấy lý do tôn trọng hải đạo và an ninh trong vùng.[68] Lẽ dĩ nhiên, trong tình hình hiện tại Trung Cộng chưa đủ sức đương đầu với mọi lực lượng trong vùng nhất là bên cạnh còn có Mỹ và Nhật mà họ chưa đo lường được phản ứng ra sao. Ai cũng biết rằng vấn đề chỉ tạm ổn trong một giai đoạn và cuộc chạy đua về kinh tế cũng như quân sự không thể ngừng lại nơi đây. Trong giai đoạn này, Việt Nam không đủ sức để đơn phương đòi lại phần lãnh thổ và lãnh hải bị cưỡng đoạt. Liên minh hàng ngang với các quốc gia Ðông Nam Á, với Ðài Loan, với Nhật Bản làm thế nương tựa là một việc cần thiết để làm chậm bước tiến của Trung Cộng. Sự hiện diện của Hoa Kỳ, nhu cầu phát triển địa bàn sản xuất và tìm kiếm nguyên liệu của Nhật Bản, sự có mặt của hải quân Nga đều là những nút chặn khả dĩ tài giảm bước chân của người không lồ phương bắc.

Lẽ dĩ nhiên, không một quốc gia nào - kể cả Mỹ - lại công khai đưa ra một thách thức đối với Trung Hoa, nhưng thế chiến lược mới không phải chỉ là đắp đập be bờ như 40 năm trước mà là tạo nên những thế ràng buộc chặt chẽ về kinh tế và chính trị khiến không một quốc gia nào dám vọng động làm chuyện phiêu lưu. Trong tình hình hiện tại, Việt Nam cũng như những quốc gia chung quanh cần ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Chính phát triển kinh tế sẽ đưa tới chuyển biến chính trị một cách tương đối thuận lợi và ôn hoà. Có lẽ không lúc nào mà kế sách giữ nước của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đáng cho chúng ta suy gẫm như hiện nay. Nếu quả thực muốn bảo vệ bờ cõi, cái thế mà chính quyền phải hướng tới là "tùy cơ ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc...". Thế nhưng, điều tiên quyết cho một phương thức đồng thuận là một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Nguyễn Duy Chính

[53] Kể cả 2 hàng không mẫu hạm

[54] Bresnan John, Ibid. Page 16

[55] Jim Mann, “The Ties That Bind U.S. to Europe Are Beginning to Look a Bit Frayed”, L.A. Times, July 24, 1995

[56] “White House to Target Vietnam and Neighbors for U.S. Exports”, L.A. Times, July 25, 1995

[57] Mới đây Trung Cộng đã xuất bản một cuốn sách nhan đề Trung Quốc có thể nói không (Zhang Xiaobo và Song Qiang), bắt chước quyển Japan can say no, chứng minh là Mỹ cần họ chứ họ không cần Mỹ.

[58] Griffiths Eldon, “Lords of the Rim key to Chinese puzzle”, Register Orange County, August 4, 1995

[59] Richard C. Koo, “What Asia Needs Is Peace Based on Reality”, L.A. Times, July 28, 1996

[60] “Is Taiwan really part of China?”, The Economist, March 16, 1996 trang 40

[61] “A Survey of Taiwan”, The Economist, October 10th, 1992, trang 8 và Lamley J. Harry, The 1895 Taiwan War of Resistance: Local Chinese Efforts against a Foreign Power. Taiwan. Studies in Chinese local history. Columbia University 1970

[62] Spence D. Jonathan, The Search for Modern China, trang 510

[63] Soled E. Debra, "China, A Nation in Transition". Congressional Quarterly Inc. Washington, D.C. 1995; Chinese Foreign Policy từ trang 219 đến trang 221

[64] Giang Hộ Hùng Giới, Trung Quốc Ðại Băng Liệt, năm 1990 sau khi Ðặng Tiểu Bình chết, bản dịch của Lưu Tuyết Khanh, Ðài Bắc, Ðại Chấn xuất bản 1995 trang 138

[65] Brown Z. Frederick, Security Issues in Southeast Asia, The China Challenge. Academy of Political Science, 1991 trang 121

[66] “Hunting witches”, The Economist, July 15th, 1995 trang 24

[67] Malik J. Mohan, “China-India Relations in the Post-Soviet Era: The Continuing Rivalry”. The China Quarterly June 1995 trang 319

[68] Thế giới nhật báo, July 31, 1995, Trung Cộng đồng ý giải quyết tranh chấp Nam Sa theo luật quốc tế (Trung Cộng Nguyện Y Quốc Tế Pháp Hoà Bình Ðàm Phán Giải Quyết Nam Sa Tranh Nghị)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

VIỆT NGỮ

1. Nguyễn Văn Huy, Người Hoa tại Việt Nam, NBC 1993

2. Phạm Giảng, Luật Biển - Những vấn đề cơ bản theo công ước 1982. Nhà Xuất Bản Pháp Lý Hà Nội 1983

3. Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, Ðại Nam tái bản.

4. Phan Trần Chúc, Bùi Viện với Chính Phủ Mỹ Ðông Nam Á

5. Sử Học số 2, Những Vấn đề Khoa Học Lịch Sử Ngày Nay. Nhà Xuất Bản Ðại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1981

6. Tập san Sử Ðịa, Ðặc Khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Văn Nghệ-Khai Trí 1992

7. Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược. Ðại Nam tái bản

8. Vũ Hữu San, Ðịa Lý Biển Ðông với Hoàng Sa và Trường Sa. Uỷ Ban Bảo Vệ Sự Vẹn Toàn Lãnh Thổ Việt Nam 1995

ANH NGỮ

1. Allen, Kenneth W., Krumel Glenn, Pollack Jonathan D. Chinas Air Force enters The 21st Century. Project Air Force RAND 1995

2. Bresnan John, From Dominoes to Dynamos-The transformation of South East Asia. Council on Foreign Relations Press, New York 1994

3.Burrows E. William và Windrem Robert, Critical Mass, The dangerous race for Superweapons in a Fragmenting World. Simon & Schuster 1994

4. Clough N. Ralph, Island China. Harvard University Press 1978

5. Copper F. John, Taiwan, Nation-State or Province? Westview Press 1996

6. Cordon H.D. Leonard, Taiwan Studies in Chinese History. Columbia University 1970

7. Fairbank, John King, China A New History. Harvard University Press 1992

8. Feis Herbert, The China Tangle - The American Effort in China, from Pearl Harbor to the Marshall Mission. Princeton University Press 1953

9.Gernet Jacques, A History of Chinese Civilization. Cambridge University Press, 1982

10.Grousset René, The Rise and Splendour of the Chinese Empire. Barnes & Nobles Books 1992

11.Harding Harry, Chinas Foreign Relations in the 1980s. Yale University Press 1984

12.Hood J. Steven, Dragons Entangled-Indochina and the China-Vietnam War. East Gate Book, 1992

13. Kennedy Paul, The rise and fall of the great powers. Random House 1987

14. Lam Willy Wo-Lap, China after Deng Xiaoping John Wiley & Sons 1995

15. Levathes Louise, When China Ruled the Seas, The Treasure Fleet of the Dragon Throne, 1405-33. Simon & Schuster, 1994

16.Lewis Wilson John and Xue Litai, Chinas Strategic Seapower. Stanford University Press, 1994

17. Martin Bernard and Shui Chien-tung, Makers of China-Confucius to Mao. Halsted Press Division, 1972

18. Orr, Jr. M. Robert, The Emergence of Japans Foreign Aid Power. Columbia University Press 1990

19. Ross S. Robert, East Asia in Transition-Toward a New Regional Order. Institute of South East Asian Studies, Singapore 1995

20. Seagrave, Sterling, Lords of the Rim, The invisible Empire of the overseas Chinese.G.P. Putnams Sons 1995

21. Spence D. Jonathan, The Search For Modern China. W.W. Norton & Company 1990

22. Hsu, Immanuel C.Y., The Rise of Modern China. Oxford University Press (second edition) 1975

23. Swaine, Michael, China Domestic Change and Foreign Policy. National Defense Research Institute 1995

24. The Cambridge Encyclopedia of China. Cambridge University Press, 1991

25. The International Institute for Strategic Studies, The Military Balance 1991-1992. London 1991

26. Tien Chen-Ya, Chinese Military Theory. Mosaic Press 1992

27. Smith, Richard J. Chinese Maps. Oxford University Press 1996

28. Yu, Kien-hong Peter, A Study of The Pratas, Macclesfield Bank, Paracels, and Spratlys in the South China Sea. Tzeng Brothers Publications, Defence Asia- Pacific Publications, Taiwan 1988

HOA NGỮ

1. Khúc Minh, 2010 Lưỡng Ngạn Thống Nhất, Trung Cộng Mại Hướng Hải Quyền Thời Ðại Cửu Nghi. Ðài Bắc 1995

2. Kim Thiên Lý, Trung Cộng Quân Sự Nhân Vật Bình Truyện. Tinh Huy Ðồ Thư 1992

3. Thi Mẫn Huy, Ðài Loan ý thức luận chiến tuyển tập. Taiwan 1985

4. Trịnh Lãng Bình , T Day, The Warning of Taiwan Strait War (Nhất Cửu Cửu Ngũ Nhuận Bát Nguyệt), 1994

5. Trịnh Vũ Thạc, Trung Quốc Dữ Á Châu. Thương Vụ Ấn Thư Quán 1990

6.Trương Phú Mỹ, Ðài Loan Vấn Ðề Thảo Luận Tập. Tân Ðài Loan Văn Khố, 1989

7. Trung Cộng Lục Thứ Vệ Quốc Chiến Tranh. Văn Hối, Hongkong 1993

8. Vương Phong, Phản Công Ðại Lục vs. Giải Phóng Ðài Loan. Hi Ðại, 1995

9. Phù Tuấn, Nam Hải Tứ Sa quần đảo Thế Kỷ thư cục Ðài Bắc 1981

TẠP CHÍ

1. Bách Việt

2. Current History

3. Foreign Affairs

4. Lướt Sóng

5. Người Việt

6. Quốc Tế Nhật Báo

7. The China Quarterly

8. The Economist

9. Thời Luận

10. Trung Quốc Thời Báo
Blogged with the Flock Browser

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Công ty chứng khoán đón đầu cơ hội (dau tu cong nghe)

The Redback