Lý thuyết Chú Ếch Chín


Lý thuyết Chú Ếch Chín

(The Boiling Frog analogy)

Khuyết Danh

(Nguồn Khuyết Danh Blog)

Ếch, như các động vật lưỡng cư khác, thuộc loại máu lạnh. Tức là chúng không thể tự phát nhiệt để hòa nhiệt cho cơ thể. Vì vậy, thân nhiệt của chúng cao thấp tùy vào những ảnh hưởng của môi trường bên ngoài.

Nếu bạn bỏ một chú ếch vào nồi nước sôi, nó sẽ nhảy ra tức thì nếu có thể. Nhưng nếu bạn bỏ chú ếch ấy vào một nồi nước ở nhiệt độ trung bình (nguội) và từ từ đun nóng nồi nước ấy, chú ếch kia sẽ lim dim và rơi vào một trạng thái thoải mái, (còn gọi là "phê") như chúng ta khi nẳm trong hồ phun nước ấm. Và rồi chú ếch ấy sẽ lim dim "phê" cho đến khi bị luộc chín mà không hề biết gì. Khi nhiệt độ cơ thể gia tăng đều đều theo nhiệt độ của nồi nước, chú ếch sẽ không có cảm giác "nóng" như con người.

Tôi không phải là một chú ếch, nhưng đôi khi tôi nhận thấy mình đang ngồi trong một nồi nước sôi trong trạng thái thoải mái và gạt bỏ những hiện tượng báo động xảy ra đây đó chung quanh mình. Khi có đủ thời gian thích ứng, tôi cảm thấy mình rất dễ quên đi những biến đổi trong cuộc sống. Kể cả khi những biến đổi ấy rất hiển nhiên, chúng không có gì là để gọi là vấn đề cả.

Không phải là nghiên cứu khoa học tối tân gì, nhưng sự khác biệt giữa CÓ và KHÔNG CÓ ý thức về những hiện tượng "nóng dần" chung quanh mình đối với tôi là một sự khác biệt rất sâu sắc. Tôi đã từng nghe giảng về lý thuyết này bởi giáo sư ĐH, giảng viên dạy nghề, nhà văn, và những người diễn thuyết khi họ bắt đầu nói đến một vấn đề bất kể nó là chuyện ở văn phòng hay vấn nạn toàn cầu. Và lý thuyết này có hiệu lực bất kể đề tài gì. Không những những hiện tượng báo động được rõ ràng hơn khi suy diễn theo lý thuyết "Chú Ếch Chín", mà tôi còn nhận thức được từng thành phần khác nhau từ phản ứng của người nghe giảng đối với những hiện tượng báo động được nói đến.

  • Thành phần phủ nhận sự thật: "Các hiện tượng báo động này là láo khoét. Tại sao phải phí thời gian nói đến chúng chứ!?"
  • Thành phần ngu dốt: "Các hiện tượng báo động này là thật. Nhưng chúng không có ngụ ý gì về một vấn nạn sẽ xảy ra. Không có chi là vấn đề cả"
  • Thành phần thụ động: "Các hiện tượng báo động này đúng 100%; rất có thể chúng báo cho chúng ta biết rằng vấn nạn sẽ xảy ra. Nhưng còn lâu lắm chúng mới xảy ra và tôi không thể làm gì cả. Không phải chuyện của tôi!"
  • Thành phần tích cực: "Không thể chối cãi được rằng có một vấn nạn đang hình thành. Có những chuyện cần phải làm và tôi cần phải đóng góp. Tôi không biết là tôi sẽ làm được gì, nhưng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và làm những gì tôi có thể làm."
  • Thành phần đóng góp: "Tôi biết tôi phải và có thể làm gì, và tôi đang làm."

Chỉ gần đây thôi, tôi mới nhận thức được rằng không có gì sai trái khi tôi thuộc về một trong những thành phần nói trên. Điều làm tôi sợ hãi là khi tư duy của tôi ở một trạng thái thuộc về thành phần nào đó quá lâu, tôi sẽ bằng lòng chấp nhận hiện thực và cảm thấy thoải mái khi là một thành viên trong thành phần ấy. Khi đó, tôi chẳng khác nào một con ếch chờ chết.

Đám Khỉ Già và Thói Quen "Đồng Hóa" (The Cultural Habit)

Tôi biết đến câu chuyện này từ một giảng viên dạy bộ môn Quản Lý Công Trình. Tôi nghĩ nó bổ ích để chia xẻ với các bạn. Qua câu chuyện này, thói quen "đồng hóa" mà tôi cho là hiện tượng "văn (minh) hóa" có thể rõ ràng hơn và đồng thời rất thú vị nếu nghiên cứu ở một tầng lớp thấp hơn từ loài khỉ. Câu chuyện như sau:

Một cuộc nghiên cứu được tổ chức bởi các nhà tâm lý học để tìm hiểu các thói quen của một loài khỉ. 20 con khỉ được bỏ vào một căn phòng có hệ thống phun nước lạnh phía trên trần và một bức tường có thể bám và leo lên. Ngoài các thức ăn thường nhật bắng rau quả tầm thường, một buồng chuối chín được treo phía trên bức tường có thể leo. Nhưng nước lạnh được phun đầy phòng mỗi khi có một chú khỉ nào đó bắt đầu leo lên và với tới buồng chuối.

Sau một thời gian ngắn, bọn khỉ bắt đầu liên hệ việc bị phun nước lạnh cóng và việc một thành viên trèo lên bẻ chuối. Chúng không còn tìm cách trèo lên nữa. Nếu có một con khỉ nào đó thèm đến nỗi nhịn không nổi và hó hé đến gần bức tường, thì cả bầy khỉ ào lên đánh nó trước khi nước phun ra. Hiện tượng này được quan sát kỹ và không hể thay đổi, kể cả khi nguồn nước lạnh được cắt đứt vĩnh viễn và không được sử dụng đến nữa.

Một thời gian sau, các nhà tâm lý học bắt một chú khỉ ra và thay vào phòng một con khỉ mới. Y như đã dự đoán, chú khỉ mới này bắt đầu bò đến bên tường và trèo lên hái chuối. Tất nhiên con khỉ ấy bị dần một trận tả tơi hoa lá cành mà không biết tại sao. Dù sao đi nữa thì sau vài trận đòn nhừ tử, chú khỉ mới này được "đồng hóa" và chuyện leo tường bẻ chuối dù rất muốn vẫn là một điều cấm kỵ cho cả bầy khỉ.

Qua từng khoảng thời gian khác nhau, các chuyên gia nghiên cứu cứ lần lượt thay từng con khỉ trong phòng với một con khỉ mới. Lần nào chú khỉ mới cũng bị đục thảm thương, kể cả các chú khỉ chưa từng bị nước lạnh phun cũng tham gia tích cực "đập". Cho đến khi cả 20 con khỉ đầu tiên biết đến nước lạnh được thay thế, bọn chúng vẫn đập nhau mỗi khi có tên nào muốn ăn chuối. ĂN CHUỐI BỊ ĐẬP đã trở thành một nét "văn hóa" đặc thù của bầy khỉ mặc dù chẳng con nào biết tại sao mình lại đập đồng đội mình khi nó muốn lấy nải chuối xuống để cả bọn cùng ăn. Từng con khỉ cũng không biết vì sao mình bị đập khi làm chuyện nên làm, dù sao đi nữa không ăn chuối vẫn hơn bị chết thảm.

Trong cuộc nghiên cứu này, có thể vì bọn khỉ không biết nói chuyện với nhau mới ra nông nỗi đó. Có thể chúng nói chuyện được nhưng lại hù nhau rằng: "Ăn chưa được chuối thì cả đám sẽ bị chết cóng". Có con khỉ nào nghi ngờ chuyện chết cóng, nó cũng không có khả năng chứng minh rằng hệ thống phun nước không hoạt động nữa. Buồn cười, vô lý, và lố bịch đến thế nào... ĐÚNG và SAI không thể nào chứng minh được khi nói đến "tập tục văn hóa của nhóm khỉ" nếu con khỉ nào cũng ngu dốt, hèn nhát, và ngoan ngoãn.

Trong một xã hội có luật pháp, có tầng lớp, có hệ thống, và... có lãnh đạo. Thì những người thấp cổ bé miệng chỉ có thể trông cậy vào sự sáng suốt của lãnh đạo để giúp họ thoát khỏi những hoàn cảnh buồn cười, vô lý, và lố bịch. Cho dù không ngu dốt và hèn nhát, khi không có quyền thế thì từng người một chỉ có thể làm người dân ngoan ngoãn. Nhưng khi có quyền thế và mang trọng trách lãnh đạo, thì những người ngu dốt và hèn nhát cần phải "được" thay đổi để tránh tình trạng xã hội rơi vào cái thói quen "đồng hóa" của nhóm khỉ.

Blogged with the Flock Browser

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý