Chiến lược mặt biển của Trung Quốc và vấn đề Biển Ðông [1] - trích blog bờM®

Chiến lược mặt biển của Trung Quốc và vấn đề Biển Ðông [1]

Nguyễn Duy Chính

(nguồn http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2796)

“… Trung Quốc không phải chỉ tìm kiếm vai trò siêu cường kinh tế mà còn tìm lại vị trí "thiên triều" của họ trong lịch sử, trong đó các nước chung quanh là thuộc quốc, phải thần phục và triều cống, công nhận tư thế lãnh đạo của họ về mọi mặt…”

bờM: Nghiên cứu dưới đây đã được phổ biến trên mạng khá lâu, nhưng thiết tưởng ý nghĩa và giá trị ngiên cứu cùng tính thời sự của vấn đề vẫn còn nguyên vẹn.

Trong ý hướng góp thêm tài liệu cho những bloggers quan tâm theo dỏi vấn đề nhức nhối Hoàng Sa Trương Sa, chúng tôi mạn phép tác giả để gửi đến bạn đọc
công trình này.
Lời nói đầu:

Trong vài thập niên gần đây, biển đông (tức biển Nam Trung Hoa hay biển Ðông Nam Á tùy theo từng tác giả) đã trở nên một vấn đề quan trọng trong chính sách của các quốc gia Ðông Á. Tranh chấp quyền sở hữu và khai thác khu vực này đã là một quan tâm hàng đầu của nhiều chính quyền. Nghiên cứu về vai trò kinh tế, quá trình lịch sử của nó đã được nhiều học giả trình bày cặn kẽ, cụ thể là hai cuốn "Ðặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa" của nhóm nghiên cứu sử địa miền Nam Việt Nam trước năm 1975 (được nhà xuất bản Văn Nghệ-Khai Trí tái bản tại hải ngoại năm 1992) và Ðịa Lý Biển Ðông với Hoàng Sa và Trường Sa của Vũ Hữu San (do Ủy Ban Bảo Vệ Sự Vẹn toàn Lãnh Thổ Việt Nam ấn hành năm 1995). Nhiều học giả nước ngoài cũng có những công trình hoặc nghiên cứu riêng về vùng biển, hoặc đặt chung trong nghiên cứu khu vực, chẳng hạn như Steven J. Hood (Dragons Entangled, Indochina and the China-Vietnam War. M.E. Sharpe Inc. 1992), Peter Kien-hong Yu (A Study of The Pratas, Macclesfield Bank, Paracels, and Spratlys in the South China Sea, Taipei 1988) Phù Tuấn (Nam Hải Tứ Sa quần đảo. Thế Kỷ thư cục Ðài Bắc 1981) ... Ngoài ra còn vô số những bài viết trên báo chí, tập san Việt, Mỹ, Pháp, Hoa ... về biển đông. Có những tài liệu hết sức xác đáng nhưng cũng có nhiều tài liệu không chân thực, điển hình là những tài liệu do Hoa lục hay Hongkong phổ biến.. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về vấn đề biển đông, chúng ta không thể bỏ qua những lập luận từ nhiều góc cạnh khác, nhất là đó là những lập luận mà nhà nước Trung Hoa sử dụng trên bàn cờ chính trị quốc tế.

Những vấn đề liên quan trực tiếp đến biển đông đã được nhiều người đề cập đến. Vì thế chúng tôi chỉ viết rất sơ lược và dành những chi tiết cụ thể đó cho những công trình nghiên cứu sâu rộng hơn, qui mô hơn. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ trình bày khu vực biển đông để gợi ý cho độc giả về tầm quan trọng của nó đối với toàn vùng Ðông Nam Á, nhất là đối với trật tự mới của vùng Thái Bình Dương trong thế kỷ sắp tới. Vai trò chiến lược và an ninh ngày càng đậm nét hơn vai trò kinh tế nhất là đối với Việt Nam chúng ta.



I. Dẫn nhập


Ai cũng biết việc Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam cũng như việc Việt Nam được thu nhận vào Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) không chỉ đơn thuần vì lý do kinh tế. Tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam là một dấu hiệu chứng tỏ Hoa Kỳ muốn thiết lập một thế quân bình mới tại Á Châu. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà chính quyền Mỹ công khai đưa ra là việc ngăn ngừa chính sách bành trướng của Trung Quốc. Chính sách tàm thực (tằm ăn dâu) của Trung Quốc trong vài thập niên qua đánh dấu một sự chuyển mình lớn trong chiến lược đối ngoại của họ. Nếu Trung Quốc làm chủ biển đông không phải chỉ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà Philippines, Indonesia, Malaysia, Thailand cũng sẽ bị khống chế. Ðài Loan sẽ bị cô lập và chịu áp lực trầm trọng. Công cuộc vận động để tiến tới một tư thế độc lập của nhân dân Ðài Loan sẽ trở nên gay go hơn. Thêm vào đó, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Hoa Kỳ cũng sẽ bị án ngữ và chia cắt, mất hết ảnh hưởng đối với vùng Ðông Nam Á, gây nguy hại cho các kế hoạch mậu dịch và chiến lược ổn định toàn cầu. Chính vì thế, một giải pháp phối hợp nhiều quốc gia để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc không những bảo vệ được mặt biển phía đông của Việt Nam mà còn tạo được sự ổn định trường kỳ cho toàn thể khu vực tây ngạn Thái Bình Dương.

Nhiều phân tích gia đã cho rằng nếu thế kỷ thứ 19 là thế kỷ của các dân tộc vùng Ðại Tây Dương thì khi sang thế kỷ thứ 21, vùng châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành khu vực kinh tế quan trọng hàng đầu của thế giới. Một Ðại Trung Hoa bao gồm Hoa Lục, Ðài Loan, Singapore và các cộng đồng Hoa kiều rải rác khắp thế giới sẽ trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị vô cùng mạnh mẽ. Cho nên, đối chiếu với viễn tượng của vài chục năm sắp tới, những phân tích gia chiến lược đều nhìn nhận rằng Trung Quốc không phải chỉ tìm kiếm vai trò siêu cường kinh tế mà còn tìm lại vị trí "thiên triều" của họ trong lịch sử, trong đó các nước chung quanh là thuộc quốc, phải thần phục và triều cống, công nhận tư thế lãnh đạo của họ về mọi mặt.

II. Chiến lược mặt biển của Trung Hoa


Trong thời thượng và trung cổ, Trung Quốc không có một khái niệm rõ rệt về biển cả và chỉ nuôi tham vọng bành trướng trên đất liền. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc, người Trung Quốc tưởng rằng nước Tàu là trung tâm thế giới, các nước chung quanh đều man di, mọi rơ Chính vì thế mà họ tự gọi mình là Trung Quốc tức nước ở trung tâm. Hai chữ "thiên hạ" (dưới vòm trời) là nói về những dân tộc sống trong vùng lục địa Trung Hoa và những tiểu quốc chung quanh thần phục nước Tàu. Ở phía đông là biển cả vô tận, chỉ được mô tả trong những truyện thần kỳ, nơi những người phi thường mạo hiểm đi tìm thuốc trường sinh. Việc tìm hiểu những vùng đất bên kia bờ đại dương không mấy ai nghĩ đến. Thảng hoặc có người để tâm nghiên cứu thì phần lớn chỉ là sưu tầm những dật sự hoang đường trong tưởng tượng hơn là mắt thấy tai nghe. Cho nên, những sự kiện đó không đáng tin mà chỉ là một loại tiểu thuyết, dẫu có dựa trên một số yếu tố lịch sử nhưng vẫn chỉ là sản phẩm được hình thành với mục đích giải trí mà thôi.

Trong thời phong kiến, Khổng học được coi là sở học chính thống, tinh thần thương mại bị coi là thấp kém, giới thương nhân đứng sau cùng trong tứ dân sĩ nông công thương. Ðời Hán, Ðường, Tống, Nguyên, thương mại với bên ngoài hầu như không có, cũng chẳng ai nghĩ đến việc tìm hiểu các nước ở xa xôi. Tuy từ đời Ðường, người Tàu đã biết rằng phía bên kia dãy Hi Mã Lạp Sơn có các đế quốc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Ấn Ðộ ... nhưng thời đó Trung Hoa vẫn là khu vực văn minh nhất và các nơi phải đến học hỏi họ chứ họ không phải cất công đi tìm hiểu người khác. Hồi thế kỷ thứ bảy, Tràng An (kinh đô nhà Ðường) là khu vực thị tứ lớn nhất thế giới lúc bấy giờ diện tích hơn ba mươi dặm vuông, hơn hai triệu cư dân, và hàng trăm đền đài tráng lệ. Ở kinh đô, người ta có thể tìm thấy nhiều loại sản phẩm khắp nơi mang đến trong đó có cả đặc sản của Phi Châu, Ấn Ðộ, Java ... Những phú gia có thể mua cả mỹ nữ Tây Dương tóc vàng mắt xanh làm tì thiếp.[1] Tơ lụa và đồ gốm là những sản phẩm quí giá các thương gia nước ngoài đến Trung Hoa mua về. Thời ấy, người Ả Rập và người Ba Tư có những đoàn thương thuyền hùng hậu nhất, qua lại khu vực biển cả từ Ấn Ðộ Dương sang Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đối với các vua chúa nước Tàu, đó chẳng qua chỉ là những hình thức triều cống, tỏ lộ sự thần phục và hàng hoá mua về sẽ giúp vào việc "khai hoá" các dân tộc man di. Buôn bán chủ yếu vẫn theo đường bộ ở phía Tây, các đoàn lạc đà đi theo con đường mà người ta gọi là Con Ðường Lụa (Silk Road). Còn đường biển buôn bán các đồ gia vị (Spice Route) không qua đến Tàu mà chỉ đến trung và bắc Việt Nam rồi mới theo đường bộ mà sang Nam Trung Hoa.[2]

Về chiến lược, biển cả được coi như là một chiến lũy thiên nhiên bảo vệ nước Tàu. Thành thử, họ chỉ chú trọng vào việc củng cố một lực lượng bộ và kỵ binh bảo vệ trung nguyên khỏi sự xâm lăng của những bộ lạc du mục. Hầu như đời vua nào cũng phải tiêu pha vào việc xây đắp trường thành, củng cố đồn bót dọc theo biên thùy phía bắc và phía tây. Trong văn chương đời Ðường, đời Tống chúng ta thấy nhắc nhiều đến biên ải, quan tái, phong hỏa (đốt lửa để truyền tin báo động), sa trường (chiến trận trên sa mạc) ... chứ không ai nói đến biển cả. Không khí chiến tranh mà văn nhân, thi sĩ cảm nhận được là gió thổi căm căm, cát bay đá chạy, quân reo ngựa hí chứ không phải sóng vỗ bập bềnh. Nếu có nhắc đến thuyền bè thì là thuyền chạy trên sông và người Trung Hoa chỉ hình dung những trận thủy chiến khốc liệt mà bối cảnh là sông Xích Bích, sông Tiền Ðường ...

Ðến thời nhà Tống, triều đình Trung Hoa bắt đầu quan tâm đến phòng ngự mặt biển, không phải chống xâm lăng mà là đối phó với các toán giặc biển thường ăn cướp các thương thuyền và dân cư duyên hải. Lực lượng tuần phòng đó phối hợp cả quan quân triều đình lẫn thương nhân. Lực lượng hải quân đầu tiên được thành lập từ năm 1132 nhưng chỉ dùng để tuần phòng bờ biển mà thôi. Một trăm năm sau, Tống triều đã có một lực lượng tuần phòng lên đến 20 đoàn thuyền và một lực lượng hơn năm vạn lính. Thế nhưng đó chỉ là hình thức vì đến chín phần mười binh sĩ trên thuyền không chiến đấu được. Năm 1239, khi một viên quan đi xem xét căn cứ hải quân Trấn giang phía đông Nam Kinh trên bờ sông Dương Tử, thấy rằng trong 5000 binh sĩ trú đóng, chỉ có 500 người đủ sức đi thuyền, còn lại là thành phần bất khiển dụng.[3] Chúng ta có thể hiểu được tại sao mỗi khi Nam chinh, quân Tàu luôn luôn bị đại bại trên mặt biển và đường sông ở nước ta. Trung Hoa từ thời trung cổ trở về trước không quan tâm đến biển cả, coi như cương vực định sẵn trên đất là của thiên tử mà dưới bể là của Long Vương. Xâm phạm đến biển cả là gây chuyện với thượng giới. Trái lại, Việt Nam ta lại coi biển cả là một nửa máu huyết của mình (truyền thuyết tiên rồng), tổ quốc bao gồm đất và nước. Văn minh nông nghiệp gắn liền với đất đai và biển cả là đặc tính của Nam phương, trong khi đó miền Bắc vốn là dân du mục giỏi chinh phục trên lưng ngựa. Thời trung cổ, chỉ có người phương Nam mới giỏi về đường thủy (người phương Bắc thiện đi ngựa, người phương Nam giỏi đi thuyền là câu nói của người Trung Hoa). Chính vì thế, trong những cổ vật đào được ở Việt Nam thường có trang trí hình thuyền trong khi tại Trung Hoa thường có những cỗ xe ngựa.

Tuy có ưu thế về hải quân, nhà Tống vẫn không chống nổi quân Nguyên từ phương bắc tràn xuống và đến năm 1279 thì nước Tàu hoàn toàn dưới quyền cai trị của người Mông Cổ. Trong các đẳng cấp mới của triều đình Nguyên, người Tàu ở phương Nam (Nam Nhân) đứng cuối cùng. Trong cùng thứ bậc đó thì sĩ phu Trung Hoa (thứ 9) tuy trên được ăn mày (thứ 10) nhưng đứng sau gái đĩ (thứ 8). Nhà Nguyên chỉ trọng dụng các dân tộc ngoài quan ải, miền Trung Á. Người Trung Hoa phía bắc Hoàng Hà mới được gọi là Hán Nhân (han ren) và được đứng hàng thứ ba.

Trong khi đánh nhau với nhà Tống, quân Mông Cổ đã xây dựng được một lực lượng hải quân hùng hậu và sau đó dùng các đoàn chiến thuyền này đi chinh phục vùng Ðông Nam Á và Nhật Bản. Tuy nhiên đoàn quân bách thắng của họ bị đánh bại ba lần tại Việt Nam (1258-88), hai lần bị bão lớn đánh đắm ngoài khơi Nhật Bản (1281) khi họ rút quân ra khỏi đảo Kyushu và một lần tại Indonesia (1293) khi tiến đánh Java.

Ðến thế kỷ thứ 16, dưới triều Minh, nước Tàu bị nạn cướp biển quấy phá. Những hải tặc đó thường là người Nhật nên được đặt tên là oải khấu (wokou, giặc lùn). Hải tặc không phải chỉ hoạt động dọc theo bờ biển Trung Hoa mà kéo dài từ Triều Tiên xuống đến tận Mã Lai. Và tuy gọi là giặc lùn, thành phần hải tặc bao gồm đủ mọi giống dân ở đông và đông nam Á Châu. Trong những đám giặc lớn có cả những người bất mãn với triều đình, bỏ đi ăn cướp. Thành thử, cả một vùng duyên hải rộng lớn coi như không thuộc quyền kiểm soát của quan quân. Các toán giặc đó cũng hoành hành dọc theo duyên hải nước ta và được gọi là giặc tàu ô vì thuyền của chúng sơn đen. Nhiều võ tướng đã nổi danh vì công trạng dẹp bọn giặc này chẳng hạn như Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh đời Lê, Bùi Viện đời Nguyễn. Vua Quang Trung thu phục chúng để sai sang quấy phá miền nam nước Tàu.[4] Bùi Viện cũng chiêu mộ họ dùng vào việc cải tiến hải quân của nước ta.[5] Gernet Jacques đã nhận định như sau:

Vào thế kỷ thứ 16, hải tặc bành trướng đến một mức độ chưa từng có và nguyên nhân có thể tìm ra được là nó có liên quan trực tiếp đến việc phát triển thương mại trên mặt biển ở Ðông Á, từ Nhật Bản kéo đến Indonesia. Các vua nhà Minh đối phó bằng chính sách ngăn cấm nhưng thiếu liên tục và chặt chẽ chỉ vì quan điểm chiến lược và kinh tế mỗi lúc một khác.

Từ thời vua Thế Tông nhà Minh, cướp bể càng hoành hành, lấy các đảo ngoài khơi làm căn cứ, đói thì vào cướp bóc, bảy tỉnh duyên hải không nơi nào yên.[6] Ðến khi Hồ Tôn Hiến, Tổng Ðốc Chiết Giang ra lệnh cấm dân chúng liên lạc, tiếp ứng cho họ, nạn giặc bể mới suy dần.[7] Thời đó, người Trung Hoa không những không muốn giao thiệp với bên ngoài mà họ còn cấm không cho học ngoại ngữ cũng như dạy tiếng Tàu cho người nước ngoài. Trong khi người Âu Châu phát triển hàng hải và tìm đường chinh phục thuộc địa thì Trung Hoa lại tài giảm hải quân nhất là từ khi đào xong Vận Hà (Grand Canal) năm 1411 và không còn cần đến việc chuyên chở hàng hoá bằng đường biển.

Trong thời nhà Minh, có hai sự kiện quan trọng mà chúng ta cần ghi nhận. Ðó là 7 chuyến viễn hành của Trịnh Hoà và việc chiếm đóng Ðài Loan của Trịnh Thành Công. Hai biến cố đó đánh dấu những bước ngoặt trong đường lối đối phó với mặt biển của triều đình Trung Hoa đồng thời cũng khẳng định là trước thế kỷ thứ 17, người Tàu không quan tâm tới các hải đảo ngoài khơi như họ viện dẫn sau này khi lấn chiếm biển đông.

A. Trịnh Hoà và bảy lần viễn du

Trịnh Hoà vốn tên là Ma He, là con một người Hồi tên là Mohammed Hajji đã theo đoàn quân viễn chinh Mông Cổ xuống sống ở miền Nam nước Tàu (thế kỷ thứ 13). Khi con thứ của vua Hồng Võ (tức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương) là Chu Lệ được giao cho việc đem quân bình Vân Nam có bắt được một số lớn binh sĩ Mông Cổ và các dân tộc thiểu số người Mèo, người Dao. Ðàn ông bị giết hết, đàn bà đem về làm tì thiếp còn trẻ em và thanh thiếu niên bị thiến để làm hoạn quan hầu hạ trong cung. Một trong những đứa trẻ đó sau được ban Hán tính là Trịnh, Hán danh là Hoà. Khi Chu Lệ cướp được ngôi vua (tức vua Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc chính là người sai Trương Phụ sang chiếm nước ta), Trịnh Hoà được sai đi sứ hải ngoại để tuyên dương oai đức nhà Minh.[8]

Trịnh Hoà đóng một đoàn chiến thuyền lớn để đi xạ Chiếc thuyền lớn nhất được đặt tên là "bảo thuyền", dài 130 thước (tây), cột buồm cao 54 thước. Các thuyền khác trung bình dài 110 thước, cột buồm khoảng 45 thước. Trong chuyến hải hành đầu tiên của Trịnh Hoà, cả thảy gồm 63 chiếc thuyền và 2,780 người.[9]

Có nhiều lý do đưa ra để giải thích về những chuyến đi này. Những sử gia Trung Hoa gần đây coi là những cuộc hải trình nhằm chứng tỏ cho những dân tộc khác thấy được sự cường thịnh và huy hoàng của triều đại nhà Minh. Với quan điểm dùng lịch sử để giải thích một số tiền đề, Trung Hoa lục địa (Trung Cộng) đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của viên thái giám gốc Hồi. Gần đây, một viện nghiên cứu có tên là Viện Nghiên Cứu Trịnh Hoà được thành lập tại Nam Kinh. Những tài liệu họ đưa ra luôn luôn chủ quan, được vận dụng để chứng minh rằng Trung Hoa đã thám hiểm và chinh phục được nhiều vùng đất xa xôi từ thời Trung Cổ.[10] Tuy nhiên, theo những tài liệu, kể cả những văn kiện viết từ thời đó, Trịnh Hoà tuy có đến được nhiều nơi như Mã Lai, Indonesia và có lần sang tận Tích Lan, Ấn Ðộ, Phi Châu nhưng lại không viết gì về các đảo ngoài khơi Việt Nam.[11] Có lẽ trong thời kỳ đó, không ai quan tâm đến một vùng biển đầy sóng gió, hiểm nguy để thám hiểm một khu vực toàn đảo san hô ở giữa đại dương như thế. Trịnh Hoà có đi dọc theo bờ biển Việt Nam, Chiêm Thành, Chân Lạp để trao đổi trầm hương, ngà voi, sừng tê, gỗ mun đem về Tàu, và tặng lại cho thổ dân đồ sứ và tơ lụa.[12] Nếu gặp kháng cự, Trịnh Hoà đem quân bắt vua các tiểu quốc đem về như trường hợp Palembang và Tích Lan. Mỗi khi đổ bộ, Trịnh Hoà xác định ông ta là sứ giả của Hoàng đế Trung Hoa, chúa tể một quốc gia trung tâm mọi nền văn minh và Trung Hoa không tới để chiếm thuộc địa hay ép buộc phải mở cửa giao thương mà chỉ yêu cầu triều cống tỏ ý thần phục.[13]

Một lý do thứ hai có thể đáng tin hơn là vua Thành Tổ sai Trịnh Hoà đi lùng tìm vua Huệ Ðế (tức cháu gọi ông bằng chú, người lên kế vị Chu Nguyên Chương và đã bị ông cướp ngôi) nghe đồn là đã giả dạng làm sư trốn ra nước ngoài.[14] John King Fairbank, học giả lừng danh về Trung Hoa đã nêu ra ba đặc điểm về các cuộc viễn du của Trịnh Hoà:

Thứ nhất, đây không phải là những cuộc thám hiểm những vùng đất mới mà chỉ là những chuyến viễn hành chính thức do nhà vua sai đi. Trịnh Hoà đi theo những thủy lộ mà thương nhân Ả Rập và Trung Hoa đã đi qua.

Thứ hai, những chuyến đi đó có tính chất ngoại giao chứ không nhằm mục tiêu thương mại, lại càng không phải đi chinh phục thuộc địa. Họ trao đổi hàng hoá và mang về các đặc sản (trong đó có cả con hươu cao cổ mà họ tưởng rằng một loại kỳ lân) của những vùng xa xôi.

Thứ ba, sau khi các chuyến du hành chấm dứt vào năm 1433 thì không bao giờ tiếp tục những chuyến đi khác nữa. Ngay cả các tài liệu ghi chép về những chuyến đi này cũng bị viên Binh Bộ Thị Lang hủy đi (vào khoảng 1479) và nhà Minh cấm ngặt người Tàu buôn bán với bên ngoài.[15]

B. Trịnh Thành Công và đảo Ðài Loan

Trước thế kỷ thứ 17, Ðài Loan chưa được công nhận như một phần đất của Trung Hoa. Cho đến cuối đời Minh, Ðài Loan vẫn là một vùng đất không mấy ai biết đến. Bão tố, sóng cả, muỗi mòng ngăn cách thổ dân với đại lục. Cư dân trên đảo lại dữ dằn nên không mấy khi tàu bè dám ghé vào. Chỉ một số ít lái buôn dạn dĩ mới dám dong thuyền sang trao đổi sừng hươu, da thú đem về bán lấy lời. Ngoài thổ dân chỉ có hải khấu mới dám ở. Trước đó người Bồ Ðào Nha đã ghé qua và đặt cho hòn đảo cái tên Formosa có nghĩa là đẹp đẽ nhưng cũng không dám ở mà chỉ trú ngụ tại Macao, lấy nơi đây làm cơ sở chính ở Ðông Á.[16] Cũng nên nói thêm, theo nghiên cứu của nhóm học giả bản địa Ðài Loan thì thổ dân tại đây vốn thuộc giống Mã Lai đã sống trên hòn đảo này từ nhiều ngàn năm trước. Những di chỉ đào được trên đảo Ðài Loan gần với những di chỉ tìm thấy trong vùng Ðông Nam Á châu và Việt Nam, là những cư dân giỏi đường thủy chiếm cứ vùng biển Nam Á từ xưa.

Ðến năm 1624 thì người Hoà Lan đem quân chiếm hòn đảo và cai trị trong 37 năm. Người Tây Ban Nha chiếm mỏm cực bắc năm 1626 nhưng bị người Hoà Lan đánh bại năm 1642. Năm 1661, một người Tàu lai Nhật là Trịnh Thành Công đánh đuổi được người Hoà Lan. Cha của Trịnh Thành Công là Trịnh Chi Long lưu lạc sang Nhật, lập gia đình với một người đàn bà Nhật ở bên đó. Chi Long làm nghề cướp biển nhưng sau được Minh triều thu phục, phong cho một chức quan. Khi về cộng tác với triều đình, họ Trịnh được chỉ huy một đội hải thuyền, nhưng y vẫn tiếp tục đi ăn cướp nhưng không còn sợ quan quân truy lùng như trước nữa.

Khi quân Thanh tràn vào chiếm trung nguyên, một số tôn thất nhà Minh còn tiếp tục chiến đấu ở miền Nam. Trịnh Thành Công vì phò Minh nên được ban cho họ Chu (tức họ nhà vua) nên người ta thường biết ông ta qua cái tên Quốc Tính Gia (mà người Âu Châu phiên âm thành Koxinga, là cái tên thường thấy trong sách vở). Hạm đội của Trịnh Thành Công tiếp tục đánh nhau với quân Thanh dọc theo bờ biển. Năm 1659, họ Trịnh làm một cuộc phiêu lưu đem quân đánh Nam Kinh nhưng bị đại bại. Khi bị vây rất gắt ở Hạ Môn, Trịnh Thành Công đánh phải liều đem tàn quân phá vòng vây chạy ra biển đánh đuổi người Hoà Lan chiếm lấy đảo Ðài Loan.[17] Ðể ngăn ngừa Trịnh Thành Công quấy phá duyên hải, năm 1661, phụ chính đại thần triều vua Thuận Trị nhà Thanh là Oboi (chữ Hán gọi là Ngao Bái) hạ lệnh cho dân cư phải di dân vào nội địa, cách bờ biển 30 dặm để không cho tiếp ứng được với giặc ngoài biển. Khi vua Khang Hi lên ngôi (1662), nhà Thanh hai lần đem quân đánh Ðài Loan (1664 và 1665) nhưng không thành công. Về sau, Thanh triều cử Thi Lang (Shi Lang), một bộ tướng của Trịnh Chi Long trước đây về hàng, thống lãnh 300 chiến thuyền bình định Ðài Loan. Thi Lang đem quân từ Phúc Kiến tiến ra đánh bại quân họ Trịnh (lúc này Trịnh Thành Công đã chết từ năm 1662, con thứ là Trịnh Khắc Sảng kế nghiệp) ở quần đảo Bành Hồ (Pescadores) hồi đầu tháng 7, 1683 và đến cuối năm thì chiếm được toàn thể đảo Ðài Loan.

Vua Khang Hi khoan hồng không giết binh sĩ của họ Trịnh nhưng di chuyển hết lên mạn bắc để trấn giữ quân Nga đang lăm le tràn xuống. Triều đình đề nghị phá hủy đảo Ðài Loan rồi rút về nhưng Thi Lang khẩn thiết xin cho quân trấn đóng để làm tiền đồn chống giữ người Hoà Lan khỏi đến xâm lăng. Vua Khang Hi đồng ý và kể từ năm 1683, Ðài Loan mới chính thức thuộc về Thanh triều, là một thuộc địa của tỉnh Phúc Kiến.[18]

Tuy nhiên, Thanh triều cũng vẫn giữ nguyên quan niệm từ trước tới nay của Trung Quốc hạn chế việc giao thương, ngại là nếu mở cửa sẽ đem tới rối loạn, tiết lộ tin tức bí mật quốc gia và tiêu hao vàng bạc, gia tăng trộm cướp, tội ác.[19] Tuy lệnh phải cư ngụ cách bờ biển 30 dặm đã bãi bỏ nhưng nhà Thanh vẫn hết sức nghiêm cấm việc giao thiệp với nước ngoài, di cư hay liên lạc với Ðài Loan. Hòn đảo luôn luôn bị nhìn với cặp mắt nghi kỵ, khinh miệt. Thành phần cư dân cũng không được coi ngang hàng với dân chúng trong nội địa. Chính vì thế, nhà Thanh rất dễ dàng nhường lại Ðài Loan để đổi lấy một vài điều kiện trong khi giao thiệp với liệt cường sau này.

Cũng nên nói thêm là họ Trịnh là một trường hợp hết sức bất thường. Trịnh Chi Long khi còn trẻ đã lưu lạc nhiều nơi, theo các giáo sĩ Tây Dương sang cả Manila (Philippines) và là một trong số ít người Trung Hoa thời ấy theo đạo Cơ Ðốc. Trịnh Thành Công mang hai giòng máu Nhật Hoa, là đệ tử một lãnh chúa Tây Ban Nha, đã từng tham dự nhiều cuộc viễn du nên kiến thức hơn hẳn những người bình thường. Ông ta phù Minh chẳng qua chỉ vì muốn dùng chiêu bài đuổi người Mãn Thanh để có thể tự mình lên ngôi hoàng đế. Chính ảnh hưởng của người Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Hoà Lan đã khiến cho họ Trịnh có chí hướng xây dựng một giang sơn riêng ngoài mặt biển. Trường hợp Trịnh Thành Công cũng không khác gì Triệu Ðà sang chiếm nước ta lập nên nước Nam Việt (gồm Bắc Việt Nam và Nam Trung Hoa) nhưng không thể vì thế mà đi tới kết luận là hòn đảo Ðài Loan thuộc về Trung Hoa từ cuối đời Minh.

Chi tiết đó quan trọng vì nếu tính ra thì người Trung Hoa chỉ thực sự làm chủ hòn đảo từ năm 1945 tới nay (đứng trên phương diện chủ quyền vì người Mãn Thanh là một bộ tộc quan ngoại, không phải là một triều đại chính thống của người Hán). Ðặt vấn đề Ðài Loan, người ta sẽ không thể quên quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) cũng ở trong tình trạng tương tự, chỉ mới thuộc về Nhật Bản gần đây, nhưng Trung Hoa úy kị nên không dám nói tới chủ quyền của họ tại khu vực này.[20] René Grousset đã bình luận như sau:

Nỗ lực của ông ta (Trịnh Thành Công) đã khiến cho các sử gia phải hết sức chú ý, vì ông là người đầu tiên thực hiện một công tác mà trước đây chưa hề xảy ra ở nước Tàu. Ðó là đi tìm kiếm thuộc địa theo đường biển. Phải công nhận rằng cuộc phiêu lưu của Trịnh Thành Công đã mở đầu cho một kỷ nguyên đại di cư của người Trung Hoa, mà ngày nay ta thấy con cháu họ ở khắp nơi nơi vùng biển phía nam, từ Cholon đến Singapore, từ Batavia đến Manila và Hawaii. Các cuộc di cư ấy có ý nghĩa hết sức quan trọng mà hậu quả tới nay cũng chưa đo lường hết được.

Một số đông tàn quân nhà Minh và người Trung Hoa tị nạn cũng chạy sang Việt Nam, đáng kể nhất là nhóm của Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên đóng góp nhiều vào việc khai phá miền nam nước ta.[21] Cộng đồng người Hoa trở thành những thế lực đáng kể tại các nước Ðông Nam Á bắt đầu từ thời đó.

C. Vấn đề độc lập của Ðài Loan

Năm 1884, sau khi chiếm được bán đảo Ðông Dương, người Pháp đem quân chiếm miền cực bắc Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ nhưng trả lại khi hai bên ký hoà ước Thiên Tân (1885) để đổi lấy một số quyền lợi tại Việt Nam. Sau khi thua Nhật Bản năm 1895, nhà Thanh phải ký hiệp ước Mã Quan (Shimonoseki) nhường hẳn cho Nhật quần đảo Bành Hồ và đảo Ðài Loan. Mãi đến sau thế chiến thứ hai, Nhật bị đồng minh đánh bại mới trao trả Ðài Loan và quần đảo Bành Hồ lại cho chính quyền Trung Hoa dân quốc. Việc trao trả này không phải dựa trên một cơ sở pháp lý nào cả (vì nhà Thanh đã nhường đứt cho Nhật) mà chính là vì Hoa Kỳ muốn có một đồng minh mạnh ở Á Châu (tức chính quyền Quốc Dân Ðảng mà họ đã giúp đỡ trong suốt thời kỳ thế chiến thứ hai). Họ cũng không muốn Nhật làm chủ hòn đảo và trở thành một cường quốc quân sự gây bất lợi cho chính sách của Mỹ tại vùng Á Châu Thái Bình Dương [22].

Thành thử việc giao hòn đảo lại cho chính quyền dân quốc chỉ nhằm mục tiêu chặt nanh chặt vuốt của Nhật, không khác gì việc đồng ý để cho Liên Xô chiếm đóng đảo Sakhaline và quần đảo Kurile miền cực bắc của quần đảo Phù Tang.[23] Tuy nhiên chính quyền Quốc Dân Ðảng chỉ giữ được đại lục có 4 năm. Cuối năm 1949, cộng sản chiếm được Hoa lục, chính quyền dân quốc thiên di sang Ðài Loan và kể từ mồng 7 tháng 12 năm 1949, Ðài Bắc được coi là thủ phủ lâm thời của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Lúc đầu, chính sách của Mỹ không mấy quan tâm tới hòn đảo Ðài Loan, nhưng khi thấy Trung Cộng ngả hẳn về phe Liên Xô đối đầu với khối tư bản và chứng tỏ sự quyết liệt của họ trong trận chiến tranh Hàn quốc, Hoa Kỳ phải đổi hẳn chiến lược. Từ việc thành lập khối Liên Phòng Ðông Nam Á (SEATO) tới việc yểm trợ cho những chính quyền chống cộng ở Nam Hàn, Phi Luật Tân, Ðài Loan, Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã tạo một vành đai khít khao ngăn chặn sự bành trướng của Trung Cộng. Dưới nhãn quan chính trị của Tây Phương, người ta chỉ quan tâm tới việc nhìn nhận chính quyền Hoa lục hay chính quyền Dân Quốc mà quên hẳn ý nguyện của người dân trên đảo Ðài Loan.

Từ khi chính quyền Quốc Dân Ðảng nới lỏng quyền tự do chính trị bãi bỏ thiết quân luật và cho phép hoạt động đối lập, nhân dân Ðài Loan đã nỗ lực tranh đấu đòi được trở thành một quốc gia độc lập. Họ viện dẫn lý do là hòn đảo không phải là sở hữu của Trung Quốc mà chỉ bị chiếm đóng ngoài ý muốn của dân bản xứ trong suốt mọi thời kỳ, kể từ thời họ Trịnh đời Minh mạt, tới đời Thanh, đời Nhật thuộc, và hiện nay bị Quốc Dân Ðảng cưỡng chiếm suốt 45 năm qua. Mặc dù người Hán nay chiếm đa số nhưng gốc gác của họ di cư tới Ðài Loan đều là những người tha hương vì không chịu thần phục triều đình nên bỏ xứ mà đi. Ngay từ nguyên thủy họ đã khước từ sự chính thống của chính quyền Hoa lục. Chính vì thế, vị trí của họ giống như những người dân đã di cư sang các quốc gia khác, không còn là thần dân của nước Trung Hoa nữa. Và họ thấy gần gũi với quê hương mới hơn với tổ quốc mà họ đã ruồng rẫy.

Ngay hiện nay, người dân Ðài Loan vẫn thấy thân thiện với người Nhật hơn là với người Tàu từ đại lục dù đó là chính quyền Quốc Dân Ðảng hay chính quyền cộng sản. Người Ðài Loan không thấy rằng họ bị Nhật áp bức mà chỉ thấy bị người Hán áp bức. Họ vẫn ngấm ngầm tri ân người Nhật đã tới khai hoá hòn đảo và căm thù sự cai trị tàn ác của chính quyền Quốc Dân Ðảng sau năm 1945.[24] Rõ ràng chính quyền Quốc Dân Ðảng đối xử với người dân Ðài Loan như một xứ thuộc địa, một phần đất của Nhật mà họ chiếm được chứ không phải với người đồng chủng. Albert Ravenholt đã mô tả như sau:
Quốc Dân Ðảng hành động một cách quyết liệt và tàn nhẫn để tiêu diệt mọi hoạt động của cộng sản, bắt bớ và tra khảo hàng ngàn nghi can. Họ bắt và xử tử một số cộng sản thật mà cũng là để trấn áp người dân trên đảo, hành hạ và bắt giam nhiều người vô tội nữa. Ðến nay vẫn còn hàng ngàn người ngồi tù, có người giam đã hơn một năm rưỡi mà chưa được xử.

Ðối với đa số dân trên đảo Formosa, cảnh tượng ghê sợ nhất là luật pháp không bảo vệ cho dân thường. Người ta có thể bị bắt ban đêm bởi tiểu tổ đặc vụ, đưa ra toà án quân sự và kết án mà không thể kháng tố được. Một khi vào tù thì sống chết là do ban quản đốc trại giam. Có thể một người bị bắt giam vì muốn nổi loạn nhưng lắm người bị tù chỉ vì có kẻ muốn cướp đoạt tài sản nên bị vu cáo là cộng sản.[25]

Một điểm quan trọng khác mà ít ai để ý là để đề kháng lại sức ép từ cả hai phía Trung Cộng lẫn Quốc Dân Ðảng, nhân dân Ðài Loan trong mấy chục năm qua đã tạo nên một bản sắc riêng, và họ mong muốn được đứng riêng một vị trí trong cộng đồng thế giới. Mặc dù bị Trung Cộng đe dọa dùng võ lực, khuynh hướng ly khai đó ngày càng mạnh và trở thành một vấn đề quan trọng mà những chiến lược gia, kinh tế gia thế giới không thể không lưu tâm. Người ta tin rằng chính Tổng Thống Lý Ðăng Huy cũng ngấm ngầm tán trợ quan điểm này.[26] Khuynh hướng đòi độc lập và có một ghế tại LHQ hiện đang được vận động ráo riết. Ðảng Dân Chủ Tiến Bộ (Dân Tiến) do Hứa Tín Lương lãnh đạo - đảng đối lập chủ trương Ðài Loan tách rời khỏi Trung Quốc - càng ngày càng tăng thế lực và ảnh hưởng đối với dân chúng. Rất có thể trong một tương lai không xa họ sẽ thay thế Quốc Dân Ðảng trong vai trò lãnh đạo.


(còn tiếp)

Nguyễn Duy Chính


[1] Levathes Louise, When China Ruled the Seas. Simon & Schuster 1994, trang 35

[2] Grousset René, The Rise and Splendour of the Chinese Empire. Barnes & Noble, Inc. 1992, trang 79

[3] Levathes Louise, When China Ruled the Seas. Sđd, trang 48

[4] Phan Trần Chúc, Bùi Viện với Chính Phủ Mỹ. Ðông Nam Á, trang 78

[5] Phan Trần Chúc, Sđd, trang 110

[6] Từ Hải trong truyện Kiều cũng là một trong những tên cướp biển kiệt hiệt thời Minh (lời chú của người viết)

[7] Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương. Ðại Nam tái bản trang 243

[8] Cũng có truyền kỳ cho rằng Chu Lệ là gốc người Mông Cộ Khi Chu Nguyên Chương chiếm được Ðại đô, kinh thành nhà Nguyên, có lấy một công chúa Mông Cổ làm vơ Bà này vốn đã có mang, sau sinh ra Chu Lê Người mẹ vì sinh sớm hơn lệ thường nên bị bỏ vào lãnh cung và chết tại đó. (Levathes Louise, When China Ruled the Seas. trang 59)

[9] Martin Bernard và Shui Chien-tung, Makers of China. Halsted Press Division 1972, Cheng Ho: Explorer and Navigator trang 114

[10] Ðời nhà Minh, triều đình Trung Hoa vẫn còn sợ người Mông Cổ vào chiếm Trung Nguyên nên chỉ phòng thủ mạn Bắc. Tuy nhiên, vua Anh Tông nhà Minh cũng đã bị quân Mông Cổ bắt (1449)

[11] Lãng Hồ, “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam”, Sử Ðịa, Ðặc Khảo về Hoàng Sa và Trường Sa, Văn Nghệ-Khai Trí 1992

[12] Levathes Louise, When China Ruled the Seas.,trang 98

[13] Martin Bernard và Shui Chien-tung, Makers of China, trang 114

[14] Phan Khoang, Trung Quốc Sử Cương, Ðại Nam tái bản, trang 236

[15] Fairbank, John King, China A New History. Harvard University Press 1992 trang 138

[16] Gần đây, nhiều học giả Trung Cộng và Ðài Loan đã cố gắng chứng minh rằng người Tàu đa biết đến đảo Ðài Loan từ thời Tần (khi Tần Thủy Hoàng sai người đI tìm thuốc trường sinh), và vào thời Tùy Chu Khoan đã chinh phục được Ðài Loan. Những luận cứ đó đã bị chính những học giả Ðài Loan bác bỏ và khẳng định là ngay cả thời Minh, Nguyên, người Trung Hoa mới chỉ biết đến quần đảo Bành Hồ vì đó là những đảo ngay sát bờ biển lục địa. Chính vua Ung Chính nhà Thanh (1723-1735) cũng đã nói: Ðất Ðài Loan từ xưa vốn không thuộc về Trung Quốc. Nhờ có Hoàng Khảo (chỉ vua Khang Hi) thánh lược thần uy mới sáp nhập được vào nước Tàụ (Ðài Loan địa phương, tự cổ vị thuộc Trung quốc. Hoàng khảo thánh lược thần uy, thu nhập bản đồ) (Cao Y Ca, Ðài Loan lịch sử ý thức vấn đề trích trong Ðài Loan ý thức luận chiến tuyển tập do Thi Mẫn Huy biên soạn, Taiwan 1985 trang 185.

[17] Spence, Jonathan D., The Search for Modern China. W.W. Norton Company 1990 trang 55

[18] Spence, Jonathan D. The Search for Modern China, trang 56

[19] Spence, Jonathan D., The Search for Modern China, trang 57

[20] Hunt Michael, Chinese Foreign Relations in Historical Perpective. Chinas Foreign Relations in the 1980s, Harding Harry, Yale University Press 1984 trang 17

[21] Nguyễn văn Huy, Người Hoa tại Việt Nam. Paris 1993 trang 29-30

[22] Clough N. Ralph, Island China. Harvard University Press 1978 trang 6-7

[23] Trong hội nghị Cairo năm 1943, Mỹ và Anh đã đồng ý nhường cho Stalin đảo Sakhalin và quần đảo Kurile mặc dầu Liên Xô không có chủ quyền gì trên phần đất này ngoài việc tìm kiếm một thông đạo và một hải cảng không đóng băng trong vùng Thái Bình Dương. (Herbert Feis, The China Tangle-The American Effort in China, from Pearl Harbor to Marshall Mission. Princeton University Press 1953 trang 113)

[24] Jameson Sam, “Japans New Sphere of Power”, World Report, L.A. Times, August 1, 1995

[25] Albert Ravenholt, “Formosa Today”, Foreign Affairs, July 1952

[26] Sau năm 1975, nhiều người Trung Hoa sinh sống tại Việt Nam cũng nghĩ rằng họ sẽ được Trung Cộng bênh vực. Vì thế nên khi cộng sản Việt Nam phát động phong trào đánh tư sản mại bản, một số người Việt gốc Hoa tìm đường về Trung Quốc. Tuy nhiên họ bị bạc đãi và đói xử rất khắc nghiệt. Nhiều ngưòi lại phải tìm đường trốn đi một lần thứ hai.

Blogged with the Flock Browser

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

UpdatePanel Tips and Tricks

Các website về Kinh tế và Quản lý