Kinh tế Việt Nam và câu chuyện chiếc xe

07/07/2008 - www.sgtt.com.vn

Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe thì chuyện gì đang xảy ra trên hành trình? Và sắp tới, khi giá xăng ngày càng đắt đỏ, nên chọn cách chạy thế nào?

Để cỗ xe kinh tế vận hành tốt, việc trợ giá xăng dầu khó duy trì mãi. Ảnh: T.L

Lời khuyên từ bên ngoài

Chuyên gia của Đại học Harvard, sau một quá trình nghiên cứu cẩn trọng về kinh tế Việt Nam, đưa ra khuyến cáo: “Chiếc xe tăng tốc ngày một nhanh hơn, nhưng hệ thống phanh an toàn không được trang bị tương ứng nên tiềm ẩn rủi ro là rất lớn”. Sẽ có những ý kiến khác nhau khi bình luận về đánh giá này. Những người hồ hởi với tốc độ phát triển của kinh tế Việt Nam thời gian qua hẳn khó đồng tình khi ĐH Harvard cho rằng “đối chiếu với những cuộc khủng hoảng đã xảy ra ở các nước khác trước đây thì tình hình ở Việt Nam là tương tự”. Tuy nhiên, đó là đúc kết của họ đối với việc nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam không phải như một thực thể đơn lẻ.

Lời khuyên của chuyên gia khi nghiên cứu “lâm sàng” và bắt bệnh cho nền kinh tế chúng ta là cần có những phản ứng chính sách sát hợp. Trong đó, không chỉ thực hiện chính sách tiền tệ tốt, mà Chính phủ cần quan tâm sâu đến giải quyết thâm hụt thương mại và hiệu quả của các khoản đầu tư.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng trong năm nay đã được các đại biểu thông qua. Mặt khác, chi tiêu công, đầu tư công cũng được cắt giảm. Vấn đề không nằm ở các con số, mà là chất lượng của các con số đó. Và chất lượng, đặt ở tầm quốc gia, thì phải đặt trên một hệ thống chính sách đồng bộ cùng với các kế hoạch hành động chính xác, thích ứng tốt với biến động thực tế. Đặt trong tầm nhìn ấy, việc TP.HCM vẫn khẳng định mức tăng trưởng lạc quan (từ 12,3 - 13% trong năm nay) không khỏi gây ra những hoài nghi và quan ngại. Rõ ràng chất lượng tăng trưởng mới là cái nền của phát triển bền vững.

Trở lại với những lời khuyên từ bên ngoài. Chuyên gia Đại học Harvard tỏ ra nghiêm khắc hơn các tiếng vỗ tay cổ vũ từ một số nhận xét khác. Họ chỉ ra những rủi ro trong quản trị hệ thống ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại. Và theo chúng tôi, những nhận xét như thế này rất xác đáng: “Nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng quá nhanh, nhất là các ngân hàng có qui mô nhỏ. Những ngân hàng này đã cho vay tới 50% hay gần như thế trong năm ngoái, khi thị trường chứng khoán và bất động sản bùng nổ. Hiện nay, thị trường chứng khoán đã giảm 60%, còn thị trường bất động sản thì khó khăn hơn. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì các ngân hàng có xu hướng trở thành “kẻ đánh bạc” hơn là ngân hàng. Bởi vì họ sẽ phải cố cho vay những khoản vay mạo hiểm để thu được tiền về”.

Cỗ xe sẽ chạy ra sao?

Phải xác định ngay rằng những khuyến cáo chuyên môn, dù nhìn ở góc độ nào, cũng không phải là kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Điều hành một nền kinh tế không dễ như lái một chiếc xe. Nhưng lấy chuyện chiếc xe để nói thì cũng bật ra nhiều điều bổ ích, không chỉ cho đoạn đường sẽ chạy trong năm nay.

Vấn đề thứ nhất chính là chất lượng của chiếc xe. Có lẽ, việc bảo dưỡng xe trong những năm trước không tốt. Qua những cung đường xấu, chiếc xe đã được nhấn ga quá mạnh. Điều không tránh khỏi là đã có một số ốc vít không còn chặt chẽ. Phụ tùng hết khấu hao không được thay thế mà mới tiểu tu để không ảnh hưởng đến tốc độ. Và từ cuối năm ngoái, các xộc xệch bộc lộ rõ. Giảm tốc là cần thiết, nhưng rõ ràng chỉ bấy nhiêu đó không thay được việc bảo dưỡng, sửa chữa chiếc xe một cách cẩn thận.

Thứ hai là đường sá, biển báo giao thông. Thiên tai trên thế giới (ví dụ như cơn bão tài chính đang càn quét) làm thời tiết nước ta cũng mưa gió nhiều hơn. Bản thân "con đường" (các chính sách kinh tế, pháp luật, xã hội) không thích ứng kịp với thay đổi khí hậu toàn cầu. Bởi vậy, con đường cũng dễ bộc lộ những ổ gà mới. Ngoài chuyện san lấp ổ gà, chuyện quan trọng hơn là dự tính lộ giới để có đủ dư địa giao thông cho những năm tới. Vấn nạn làm đường mà tiêu tốn quá nhiều cho đền bù giải tỏa phải được lượng định. Nếu không, chiếc xe sẽ bị kẹt ở những nút cổ chai.

Vấn đề thứ ba là hành khách trên xe. Vì khách có nhiều dạng, nên khi xe chạy, họ cần biết rõ chất lượng xe, cung đường sắp tới, thời tiết bên ngoài... để không mất bình tĩnh khi gặp ổ gà hay ổ voi. Những khách trốn vé, mang hành lý quá mức qui định hoặc xách theo hàng cấm phải bị đối xử nghiêm khắc và dứt khoát theo pháp luật. Trốn vé mà còn gây gổ, đòi ngồi rộng rãi thì phải mời xuống xe, dù đó là khách ngoại hay nội cũng cần bình đẳng.

Vấn đề thứ tư là tay nghề và ứng xử của tài xế. Hãy để chính chất lượng phục vụ và tài năng, đạo đức của người đang cầm lái trả lời cho “nhiệm kỳ” của họ. Đường xa, vất vả là thước đo chân xác cho khả năng lái xe. Hơn nữa, thái độ thẳng thắn, điềm tĩnh của tài xế cũng luôn ảnh hưởng lớn đến sự trật tự của hành khách. Và luôn luôn, “lái xe an toàn” không chỉ là khẩu hiệu.

Thứ năm là giá vé. Hành khách chắc chắn là không thích vì thu nhập không tăng, giá cả mọi thứ đã tăng, mà nay đi xe giá vé cũng nhích lên. Nhưng hãy nhìn nhận đó là chuyện không tránh khỏi. Cỗ xe kinh tế Việt Nam đã ra xa lộ WTO, với luật WTO. Họ có mức phí giao thông, phí đỗ xe, phí bảo dưỡng... theo những chuẩn của rổ giá chung. Vé đi trên cỗ xe Việt Nam hiện vẫn ít nhiều được trợ giá nhiên liệu. Nhưng điều này là không thể kéo dài. Cho dù tài xế lái có “ngọt”, cố gắng tiết kiệm và hành khách ít tiêu xài dọc đường hơn, nhưng ai cũng cần biết rõ rằng trong tuần qua, giá xăng thế giới đã leo lên 146 USD/thùng. Trong khi đó, toàn bộ xăng dầu nhớt của hành trình, cỗ xe Việt Nam phải nhập khẩu. Xăng nhập, phụ tùng nhập (tỉ lệ nội địa hóa còn thấp) thì phải bấm bụng với giá tăng. Làm sao gồng mình trợ giá mãi được? Như vậy, cốt lõi là mang hàng hóa ra ngoài bán được nhiều tiền hơn, chứ không thể cứ rên rẩm về giá vé tăng.

Blogged with the Flock Browser

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Công ty chứng khoán đón đầu cơ hội (dau tu cong nghe)

The Redback